Giá tiêu hôm nay 3/8: Cảnh báo điều khó khăn nhất của hồ tiêu xuất khẩu

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 3/8 trong khoảng 70.500 - 74.000 đồng/kg. Thị trường trong nước đang có chuỗi ngày đi ngang từ đầu tháng. Sản lượng của nhiều nước tiếp tục ghi nhận giảm và tâm lý nông dân giữ hàng cao nên thị trường tương đối ảm đạm.

Giá tiêu hôm nay 3/8: Cảnh báo điều khó khăn nhất của hồ tiêu xuất khẩu Việt Nam  
Giá tiêu hôm nay 3/8: Cảnh báo điều khó khăn nhất của hồ tiêu xuất khẩu Việt Nam  

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 đồng/kg

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 74.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường trong nước đang có chuỗi ngày đi ngang từ đầu tháng sau đợt tăng nhẹ trước đó.

Theo báo cáo thị trường mới nhất của Ptrexim, sau 2 tuần giảm, giá tiêu Ấn Độ đã ổn định trong tuần trước. Trong khi đó giá tiêu Indonesia tăng do nguồn dự trữ từ nông dân vẫn ở mức cao. Theo dự báo, Indonesia tiếp tục mất mùa so với năm 2021 và lượng cung ra thị trường không nhiều ở cả tiêu đen và tiêu trắng.

Còn giá tiêu Malaysia trong nước ổn định và không thay đổi trong hơn 2 tháng qua. Giá tiêu từ Brazil tiếp tục tăng và số lượng chào bán ra thị trường không nhiều. Tuần trước giá tiêu Brazil tăng 2 - 3%. Cùng đà tăng có giá tiêu Sri Lanka.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng thu hoạch vụ 2022 của Ấn Độ dự kiến đạt 55.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với 2021. Tổng nguồn cung toàn cầu năm 2022 ước đạt 535 ngàn tấn, giảm gần 3% so với năm 2021 và lượng giảm chủ yếu đến từ Việt Nam và Ấn Độ.

Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2022 đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với 2021. Nguyên nhân do nhiều vườn tiêu tại các tỉnh trọng điểm đang bị nhiễm sâu bệnh và chết do canh tác sai phương pháp, bón phân, thuốc quá liều lượng, kích thích tăng năng suất. Đồng thời giá tiêu xuống thấp giai đoạn 2019-2020 nên người dân không chăm sóc dẫn tới vườn tiêu bị kiệt quệ và bị xóa sổ, chi phí vật tư đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc, nhân công, xăng dầu...).

Hệ lụy của vấn đề này, mới đây trong cuộc họp cuối tháng 7/2022 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu Nguyễn Tấn Hiên cảnh báo, khó khăn nhất của ngành hồ tiêu Việt Nam hiện nay là vấn đề về dư lượng thuốc trừ sâu ngày càng nhiều.

Nhiều loại hoạt chất lạ được phát hiện trên hồ tiêu trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Tấn Hiên nhận định nguyên nhân có thể do giá tăng nên người dân đã bón phân kích thích năng suất nên bị vượt dư lượng. Thuốc cấm vẫn được bán tràn lan trên thị trường với nhiều tên thương phẩm khác nhau.