Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 3/9: Suy giảm vì Covid-19, hồ tiêu Việt Nam vẫn còn điểm tựa để nâng giá trị xuất khẩu

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 3/9 trong khoảng 73.000 - 77.000 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu tại các địa phương giảm 500 đồng/kg. Giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giữ ổn định từ ngày 25/8 đến nay.

Giá tiêu hôm nay 3/9: Suy giảm vì Covid-19, hồ tiêu Việt Nam vẫn còn điểm tựa để nâng giá trị xuất khẩu
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 74.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 73.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 73.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 77.000 đồng/kg, giữ nguyên.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 75.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu tại các địa phương giảm 500 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua, trừ khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Ipcnet, giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giữ ổn định từ ngày 25/8 đến nay. Cùng thời gian đó, giá tiêu xuất khẩu Indonesia và Ấn Độ tăng nhẹ; các quốc gia khác là Malaisia và Brazil không thay đổi.

Theo Antaranews, giá tiêu trắng ở phía Tây Kalimantan (Borneo, Indonesia) tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng. Hiện tại, mức giá đã đạt 76 nghìn rupiah/kg (tương đương khoảng 5,2 USD/kg). Con số này tăng gần 100% so với khảo sát trước đó. Việc giá tiêu trắng tăng là tín hiệu đầy tích cực đối với nông dân quốc gia này trong bối cảnh kinh tế bất ổn vì dịch bệnh. Giá tiêu nội địa tăng còn do giá xuất khẩu của quốc gia này tăng trong thời gian gần đây. Đây cũng là hệ lụy đến từ việc xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam giảm mạnh do tình hình dịch Covid-19.

Theo Bộ Công Thương, tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện cả nước đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng còn lại cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen; trong đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.

Đơn cử, với nhiều ngành trong nhóm công nghiệp chế biến (trong đó có hồ tiêu) hiện đang bị đứt gãy cung cầu do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động khi không đáp ứng được các tiêu chuẩn “3 tại chỗ”, 1 cung đường 2 điểm đến. Nếu kéo dài, tình trạng này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đơn cử như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) - đơn vị được phép xuất khẩu mặt hàng nông sản khô (cà phê và hồ tiêu) sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, con số xuất khẩu 6 tháng đầu năm hết sức ấn tượng. Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty thông tin: 6 tháng đầu năm 2021, Công ty xuất khẩu được 80 ngàn tấn cà phê, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh chịu tác động của Covid-19, nếu tận dụng tốt EVFTA thì đây chính là cứu cánh cho giá trị xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Bởi nhiều quốc gia xuất khẩu tiêu chưa có được "chìa khóa" EVFTA để mở cánh cửa ưu đãi vào châu Âu như Việt Nam.