Giá tiêu hôm nay 31/5: 1 tuần tăng liên tiếp, ai hưởng lợi nhiều nhất?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 31/5 trong khoảng 68.500 - 72.000 đồng/kg. Sau 1 tuần liên tiếp tăng, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm có dấu hiệu chững lại.

Giá tiêu hôm nay 31/5: 1 tuần tăng liên tiếp, ai hưởng lợi nhiều nhất?
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 69.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 72.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Sáng nay, giá tiêu đi ngang so với cùng thời điểm sáng qua. Như vậy, sau 1 tuần liên tiếp tăng, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm có dấu hiệu chững lại. Tổng kết tuần trước, giá tiêu tăng trung bình 3.500 - 5.000 đồng/kg, cao nhất vẫn ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 712,5 rupee/tạ, ở mức 40.237,5 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 27/5/2021 đến ngày 2/6/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 318,15 VND/INR. Tuần trước giá tiêu Ấn Độ tăng từ mức 38.866,65 rupee/tạ lên 40.237,5 rupee/tạ.

Các cơ sở giáo dục tại Ấn Độ dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào tháng 6/2021, kéo theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng hạt tiêu trong các sản phẩm phục vụ cho trường học ở địa phương, đã đẩy người trồng thanh lý kho tiêu của họ trong những tuần cuối tháng 5 đến giữa của tháng 6.

Đại dịch Covid-19 đang tạo ra thách thức đối với các thương nhân trong việc mua bán và giao dịch gia vị trên thị trường. Tình trạng phong tỏa ảnh hưởng xấu đến lượng tiêu được vận chuyển đến thị trường Kochi, hầu như không có lô hàng nào được giao dịch trong hơn 1 tuần qua.

Với thị trường tiêu trong nước đã có 1 tuần sôi động khi giá tiêu tăng liên tiếp. Peppertrade nhận định, nguyên nhân chính là do Trung Quốc tích cực thu mua. Bên cạnh đó là nhu cầu của các vùng khác trên thế giới bắt đầu gia tăng.

Theo nhận định, trong đợt tăng giá này, hàng trong dân ngày càng vơi dần. Người trồng sau hơn 1 tháng giá giảm đã nôn nóng bán khi thị trường mới nhích lên. Các đại lý và công ty xuất khẩu nhân cơ hội này đã gom đủ hàng và chờ đợi thị trường hết hàng sẽ đẩy giá lên cao để kiếm lời. Chi phí tái đầu tư cho vụ mới đang ngày càng cao khi giá phân tiếp tục tăng, đẩy người nông dân bán dần lượng tiêu tích trữ mỗi khi giá biến động. Nói gì thì nói, người trồng vẫn được hưởng lợi ít nhất, là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trước sự trồi sụt của giá tiêu.

Số liệu thống kê xuất khẩu cho thấy, 5 tháng đầu năm hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 16%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng, nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 25%, đạt 387 triệu USD. Như vậy có thể thấy, nhu cầu thế giới đang tăng, nguồn cung ngày càng thắt chặt, giá trị hạt tiêu vì thế sẽ ngày càng lớn.