Giá tiêu hôm nay 4/5: Dự báo tương lai bấp bênh, tiêu Việt cần tỉnh táo tránh đi vào "vết xe đổ"

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 4/5 trong khoảng 65.500 - 69.000 đồng/kg. Giá tiêu Ấn Độ tiếp đà giảm nhẹ

Giá tiêu hôm nay 4/5: Dự báo tương lai bấp bênh, tiêu Việt cần tỉnh táo tránh đi vào "vết xe đổ"
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 67.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 65.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 66.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 69.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 68.000 đồng/kg. Sáng nay, giá tiêu tại các địa phương tiếp tục đi ngang. Tính chung tháng 4/2021, giá tiêu liên tiếp mất giá trong 4 tuần, giảm trung bình 6.000 - 7.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 125 rupee/tạ, ở mức 39.075 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 29/4/2021 đến ngày 5/5/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 311,08 VND/INR.

Giá tiêu Ấn Độ tiếp đà giảm nhẹ trong bối cảnh dịch Covid-19 tại quốc gia này đang ngày càng nghiêm trọng. Vừa qua tiêu đen Malabar của Ấn Độ giá giảm 2% so với tuần trước, trung bình ở mức 5.031 USD/tấn.

Với thị trường trong nước chưa thấy dấu hiệu khởi sắc sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương dấy lên tâm lý lo ngại của thị trường. Hiện các địa phương cơ bản đã kết thúc thu hái vụ tiêu năm nay, với sản lượng dự báo giảm đáng kể. Tuy nhiên con số chính xác bao nhiêu thì còn phải chờ các cơ quan chức năng tổng hợp và công bố.

Theo ghi nhận, giá tiêu năm nay tăng tốt giúp bà con nông dân có được thành quả sau bao năm vất vả vì hồ tiêu. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại tình trạng người dân ồ ạt trồng lại tiêu không theo quy hoạch sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài. Câu chuyện của vùng tiêu huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) là một ví dụ.

Theo báo Gia Lai, có một khoảng thời gian dài, nông dân Chư Pưh nổi tiếng về độ giàu có nhờ trồng hồ tiêu. Khi giá hạt tiêu đen đạt 250 ngàn đồng/kg, mảnh đất này có hàng trăm “tỷ phú chân đất”. Có tiền, người dân đua nhau xây dựng nhà cửa, tạo nên bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Tuy nhiên việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu không theo quy hoạch đã kéo theo nhiều hệ lụy. Đặc biệt, những căn bệnh xuất hiện không có thuốc đặc trị đã khiến hàng ngàn héc ta hồ tiêu chết trắng. Nhiều người lún sâu vào những khoản nợ ngân hàng mà không biết ngày nào trả được. Sau năm 2016, dạo quanh huyện Chư Pưh, không khó để bắt gặp những vườn hồ tiêu chỉ còn trơ hàng trụ, những bảng bán nhà, bán rẫy treo nhan nhản. Những buôn làng đìu hiu, xơ xác.

Cấp ủy, chính quyền và người dân Chư Pưh triển khai nhiều biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế sau cơn khủng hoảng hồ tiêu. Một trong những biện pháp nhận được sự đồng tình của người dân là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương.

Ông Lê Quang Thái - Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: “Những năm qua, chúng tôi tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững và chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tập trung chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Bước đầu, những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được các địa phương áp dụng đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân”.

Như vậy, từ bài học của Chư Pưh, các địa phương khác cần tiếp tục có cái nhìn tổng thể về quy hoạch. Đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu ở Việt Nam đã đạt 152.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha.

Dự báo đến năm 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong nhiều năm nữa.