Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 5/1: Biến động ở Gia Lai, nhiều mô hình tăng năng suất tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 5/1 giảm nhẹ ở Gia Lai, giá tiêu Ấn Độ đang giữ ổn định trong những ngày đầu năm 2021.

 Giá tiêu hôm nay 5/1: Biến động ở Gia Lai, nhiều mô hình tăng năng suất tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 53.500.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay giữ nguyên ở mức 52.500 đồng/kg, giảm nhẹ 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 53.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 54.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 54.000 đồng/kg.

Như vậy, giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng trọng điểm có xu hướng giảm nhẹ ở Gia Lai, giữ nguyên tại các vùng khác.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giữ nguyên ở mức 35.000 rupee/tạ.

Vài năm trở lại đây, giá hồ tiêu liên tục "tuột dốc", năm sau thấp hơn năm trước. Trong năm 2020, dù có thời điểm giá hồ tiêu trồi sụt, tăng lên đáng kể, nhưng phải đến năm 2021 dự báo giá mặt hàng "vàng đen" một thời này mới có khả năng thực sự bước vào chu kỳ khởi sắc mới.

Ở trong nước, sau thời gian phát triển "nóng", nhiều vườn tiêu bị bỏ rơi khi giá xuống quá thấp. Lúc này do thiếu sự chăm sóc và đầu tư nên có 1 khoảng thời gian chất lượng hồ tiêu Việt Nam bị giảm sút, phát triển thiếu bền vững. Từ vài năm nay, các địa phương đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật nên khi bước vào vụ mới, tâm thế của người trồng cũng khác hơn so với mọi năm.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu - địa phương luôn có giá tiêu cao nhất, từ năm 2015, Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức đã phối hợp với Công ty TNHH Olam, Công ty TNHH Gia vị Việt Nam và Công ty TNHH Harris Freeman phát triển mô hình liên kết giữa nhà quản lý - nhà khoa học - nhà sản xuất - nhà chế biến, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu. Từ 100 hộ tham gia, đến nay mô hình đã thu hút hơn 1.000 hộ. Chất lượng hồ tiêu cũng được cải thiện rõ rệt qua từng năm.

Thông qua mô hình này, nông dân đã biết quan tâm đến môi trường sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững qua việc thực hành tiêu chuẩn GlobalGAP, hình thành thói quen ghi chép hồ sơ sản xuất nhằm truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.

Hàng năm, nông dân đăng ký diện tích sản xuất và sản lượng trước khi bắt đầu vụ thu hoạch, mỗi hộ được cung cấp một mã số riêng, cung cấp bao đóng gói sản phẩm tiêu sạch dựa trên sản lượng đăng ký, đóng gói và ghi ký hiệu mã số nông hộ trên bao bì nhằm bảo đảm sản lượng và chất lượng, có thể truy xuất để nhận thưởng khi đạt mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép do thị trường châu Âu hoặc Nhật Bản quy định.

Kết quả, 54,4% sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường châu Âu; 37,4% sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản; 9,18% được xuất sang thị trường Trung Quốc...

Năm 2016, ông Nguyễn Đình Mân (ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) tham gia dự án sản xuất tiêu an toàn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Ông Mân được tập huấn kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững, áp dụng bộ quy tắc quốc tế về quy trình sản xuất hồ tiêu an toàn và kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ đó, 1,5ha hồ tiêu của gia đình ông cho năng suất 15 tấn, cao hơn 1-2 tấn so với trước. “Tham gia dự án, chúng tôi được DN bao tiêu đầu ra và còn được công ty thưởng thêm từ 1.000-2.500 đồng/kg. Thu nhập tăng lên là động lực để chúng tôi phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn sinh học”, ông Mân cho biết.