Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 7/2: Bí quyết năng suất tiêu Chư Sê cao nhất nước

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 7/2 trong khoảng 80.000 - 82.500 đồng/kg. Ở khu vực Đông Nam Á, giá tiêu nội địa và quốc tế của Indonesia giảm do ít hàng và ít giao dịch trên thị trường. Giá tiêu nội địa và quốc tế của Malaysia ổn định trong tháng 1/2022.

Giá tiêu hôm nay 7/2: Bí quyết giúp năng suất tiêu Chư Sê cao nhất nước
Giá tiêu hôm nay 7/2: Bí quyết giúp năng suất tiêu Chư Sê cao nhất nước

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 80.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 80.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 82.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay đi ngang ở các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Kết thúc tuần nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giá tiêu trong nước giữ ổn định.

Trước đó, theo ghi nhận của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới, thị trường tuần trước Tết Nguyên đán cho thấy phản ứng trái chiều với giá hồ tiêu Việt Nam ghi nhận sự gia tăng. Còn giá hồ tiêu Ấn Độ tiếp tục giảm do sự suy yếu của đồng Rupee Ấn Độ so với USD.

Ở khu vực Đông Nam Á, giá tiêu nội địa và quốc tế của Indonesia giảm do ít hàng và ít giao dịch trên thị trường. Giá tiêu nội địa và quốc tế của Malaysia ổn định trong tháng 1/2022.

Ngay thời điểm trước Tết Nhâm Dần, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã ban hành Quyết định số 6163/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00115 cho chỉ dẫn địa lý “Chư Sê” cho sản phẩm hạt tiêu (hồ tiêu). Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Theo đó, trong các tỉnh Tây Nguyên, huyện Chư Sê của tỉnh Gia Lai là một trong những huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất vùng. Từ năm 2008 đến năm 2020, hồ tiêu Chư Sê được biết đến với năng suất cao nhất cả nước.

Hạt tiêu Chư Sê bao gồm 3 loại: Hạt tiêu xanh, hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng (tiêu sọ). Hạt tiêu Chư Sê có đặc điểm hạt to và đồng đều. Hạt tiêu xanh có đường kính từ 4,45 - 5,85 mm, hạt tiêu đen từ 3,85 - 5,65 mm, hạt tiêu trắng từ 3,65 - 5,43 mm.

Hạt tiêu Chư Sê thơm nồng và có vị cay, được thể hiện qua dung trọng, hàm lượng Piperin và hàm lượng tinh dầu bay hơi cao. Hạt tiêu xanh có dung trọng từ 589 - 638 g/l, hàm lượng Piperin từ 5,89 - 6,35%, hàm lượng tinh dầu bay hơi 1,53 - 1,76 %; Hạt tiêu đen có dung trọng từ 558 - 592 g/l, hàm lượng Piperin từ 6,59 - 7,36 %, hàm lượng tinh dầu bay hơi từ 1,84 - 2,20%; Hạt tiêu trắng có dung trọng từ 616 - 651g/l, hàm lượng Piperin từ 7,05 - 7,42 %, hàm lượng tinh dầu bay hơi từ 2,01 - 2,28%.

Những tính chất, chất lượng đặc thù của hạt tiêu Chư Sê có được là do mối quan hệ giữa điều kiện địa lý tự nhiên và kỹ thuật sản xuất truyền thống của người dân trong khu vực địa lý.

Cụ thể, huyện Chư Sê là một vùng đất có điều kiện địa lý tự nhiên đặc biệt. Đây là vùng đất rất phù hợp cho cây hồ tiêu phát triển do đây là vùng đất đỏ bazan bằng phẳng hoặc dốc nhẹ nằm ở độ cao trung bình từ 700 - 800m so với mực nước biển. Loại đất này ở gần các miệng núi lửa, nham thạch giàu khoáng sét, tầng đất dày, thoát nước tốt và tính chất đất màu mỡ.

Bên cạnh thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực địa lý cũng có nhiều yếu tố tác động đến tính chất, chất lượng đặc thù của hạt tiêu Chư Sê. Độ ẩm không khí của khu vực địa lý từ 80 - 90%, độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho quá trình thụ phấn dễ dàng (hạt phấn dễ dính vào núm nhụy) và thời gian thụ phấn kéo dài núm nhụy phình to, thuận lợi cho việc tạo quả với tỷ lệ đậu quả cao. Phôi nhũ sẽ phát triển to hơn làm đường kính hạt trung bình của hồ tiêu Chư Sê đạt kích thước tương đối lớn. Ngoài ra, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm của khu vực địa lý tương đối lớn, từ 8 - 10 độ C, làm cho quá trình trao đổi chất kéo dài, giai đoạn tạo chất thơm và vị cay của hạt tiêu sẽ được kéo dài hơn.

Thời gian cây tiêu ra hoa tạo quả trùng với mùa khô kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau của khu vực địa lý, mưa ít là điều kiện thuận lợi để cây hồ tiêu phân hóa mầm hoa và nở hoa tập trung, dễ dàng hình thành và tích trữ, cô đọng các dưỡng chất trong quả. Thời gian thu hoạch hồ tiêu thường trùng vào mùa khô nên việc phơi sấy, bảo quản sản phẩm hồ tiêu thuận lợi.

Khác với vùng trồng tiêu Quảng Trị chỉ sử dụng trụ sống, việc sử dụng song song cả trụ sống hoặc trụ hỗn hợp (trụ chết và trụ sống) có cây che bóng là phương pháp canh tác truyền thống tại huyện Chư Sê, nhờ đó năng suất của hồ tiêu Chư Sê cao. Ngoài ra, việc lược bỏ những cành tược giúp các cành còn lại có đầy đủ dưỡng chất và khả năng sinh trưởng tốt hơn. Việc chỉ sử dụng giống tiêu bản địa do giống đã được đánh giá là năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Chư Sê.