Giá tiêu hôm nay 8/12: Vì sao giá tiêu khu vực Nam Á vẫn tăng mạnh, Đông Nam Á diễn biến trái chiều?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 8/12 trong khoảng 83.000 - 85.000 đồng/kg. Từ đầu tuần, thị trường hồ tiêu có 2 phiên đứng giá, 1 phiên giảm nhẹ.

 Giá tiêu hôm nay 8/12: Vì sao giá tiêu khu vực Nam Á vẫn tăng mạnh, Đông Nam Á diễn biến trái chiều?
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 83.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 83.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.500 đồng/kg.

Sáng nay giá tiêu trong nước đi ngang so với cùng thời điểm sáng qua. Từ đầu tuần, thị trường hồ tiêu có 2 phiên đứng giá, 1 phiên giảm nhẹ.

Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tuần trước (29/11 - 3/12) tại khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ tiếp tục tăng, đây là tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong đợt này. Tiêu đen nội địa của quốc gia này tăng 2%, lên 7.293 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Kochi cũng tăng 2% lên 7.560 USD/tấn.

Còn tại Sri Lanka, giá tiêu nội địa tăng tuần thứ 7 liên tiếp. Tiêu đen nội địa của quốc gia này tăng 2%, từ 5.163 USD/tấn lên 5.252 USD/tấn. Giá tiêu tại Sri Lanka đã tăng tới 26% trong hơn 1 tháng qua.

Tuần trước tại Việt Nam, giá tiêu đen nội địa cho thấy tăng nhẹ. Trong khi đó giá tiêu giao dịch trên thị trường quốc tế vẫn ổn định kể từ đầu tháng 9 do lượng giao dịch trên thị

trường ít. Cụ thể, giá tiêu đen trong nước tăng 2%, từ 3.494 USD/tấn lên 3.570 USD/tấn; tiêu trắng nội địa tăng 2%, từ 5.361 lên 5.488 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng TP Hồ Chí Minh giữ trong khoảng 4.290 USD/tấn với loại 500g/l; giá FOB tiêu trắng tại cảng TP Hồ Chí Minh ổn định tại 6.500 USD/tấn.

Trong khi đó, giá tiêu giao dịch nội địa và quốc tế của Indonesia giảm do sự suy yếu của đồng Rupiah Indonesia so với USD (IDR 14.360 IDR/USD), giảm 1%. Cụ thể, tiêu đen nội địa của quốc gia này giảm 1%, từ 3.819 USD/tấn xuống 3.795 USD/tấn; tiêu trắng nội địa giảm 1%, từ 6.481 xuống 6.442 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Lampung giảm 1%, từ 4.524 USD/tấn xuống 4.497 USD/tấn; giá FOB tiêu trắng tại cảng Pinang giảm 1%, từ 7.459 xuống 7.414 USD/tấn.

Trong khi đó, giá tiêu trắng của Malaysia trên thị trường quốc tế ghi nhận chiều hướng tích cực trong tuần này. Còn các loại khác được giao dịch ổn định trong 4 tuần qua. Cụ thể, giá tiêu đen nội địa giữ ổn định 3.558 - 3.572 USD/tấn; tiêu trắng nội địa từ 6.019 - 6.021 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Kuching giữ ở mức 5.200 USD/tấn với loại 500g/l; giá FOB tiêu trắng tại cảng Kuching tăng từ 7.400 lên 7.440 USD/tấn.

Theo The Hindu Business Line, giá tiêu tại quốc gia Nam Á Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục 532 Rupees/kg dẫn đến việc nông dân và các đại lý ở các thị trường sơ cấp găm hàng không bán với hy vọng giá sẽ tăng thêm. Do đó, nguồn cung hàng hóa trên thị trường đã bị ảnh hưởng.

Các thương nhân viện lý do khí hậu không thuận lợi ở Kerala và Karnataka, nơi trồng diện tích hồ tiêu lớn, đã gây thiệt hại cho các trang trại trồng tiêu, coi đây là nguyên nhân khiến giá tăng đột biến. Theo họ, điều kiện khí hậu cũng có thể dẫn đến sản lượng thấp hơn trong vụ tiêu năm 2022. Các nông hộ trồng tiêu ở Kerala và Karnataka nhận định, sản lượng tiêu vụ mùa năm 2022 dự kiến đạt khoảng 60.000 tấn, giảm 45-50% so với năm 2021.