Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 9/1: Thuận lợi xen lẫn thách thức ngành tiêu năm 2023

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 9/1 trong khoảng 57.500 - 60.500 đồng/kg. Thị trường đang có những tín hiệu tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa khẩu. Tuy nhiên những thách thức ngày càng lớn với ngành tiêu Việt cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Giá tiêu hôm nay 9/1: Thuận lợi xen lẫn thách thức ngành tiêu năm 2023  
Giá tiêu hôm nay 9/1: Thuận lợi xen lẫn thách thức ngành tiêu năm 2023  

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 58.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 57.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 58.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 60.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 59.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay đi ngang tại các tỉnh so với cùng thời điểm hôm qua. Tuần trước giá tiêu trong nước tăng nhẹ tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Cùng đà tăng, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đã nâng giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam thêm 100 USD/tấn.

Thị trường đang có những tín hiệu tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa khẩu, kỳ vọng vào sức tiêu thụ dịp cuối năm của thị trường tỷ dân này. Năm 2022, sự sụt giảm mạnh lượng hàng sang Trung Quốc góp phần không nhỏ khiến cho giá hồ tiêu Việt Nam mất đến hơn 20.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, nông dân trồng tiêu trong nước cũng vừa trải qua chuỗi ngày lo lắng. Ngày 7/1 mưa lớn trên khu vực Tây Nguyên mới giảm dần. Trước đó mưa liên tiếp mấy ngày khiến việc thu hoạch sớm của người dân bị ảnh hưởng. Hồ tiêu thu hái xong cũng không có nắng để phơi khiến chất lượng bị ảnh hưởng.

Hồ tiêu Việt Nam được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm hơn 93,5% diện tích hồ tiêu cả nước, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 64%. Hiện diện tích hồ tiêu đã vượt so với quy hoạch khoảng 100.000 ha (quy hoạch diện tích hồ tiêu cả nước đến năm 2020 là 50.000 ha).

Diện tích đang có xu hướng giảm xuống còn khoảng 130.000 ha vào năm 2022 do giá giảm mạnh và ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh. Đơn cử như Đắk Lắk hiện có trên 32.800 ha hồ tiêu, sản lượng đạt gần 82.000 tấn, chiếm khoảng 40% diện tích và 43,3% sản lượng toàn vùng Tây Nguyên. Từ năm 2018 đến nay, diện tích hồ tiêu Đắk Lắk giảm đáng kể, khoảng 5.000 ha.

Trong khi đó, tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích hồ tiêu giảm 563ha tại tỉnh Đồng Nai. Nguyên nhân khiến những diện tích cây trồng trên giảm mạnh do đã già cỗi, cho thu nhập thấp nên người dân chuyển đổi sang những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy vậy, tại nhiều địa phương, hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực. Trước tình hình giá cả bấp bênh, chi phí đầu vào tăng, các địa phương đã hình thành những vùng chuyên canh về hồ tiêu. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật dần được áp dụng, như: Sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý… từng bước đưa sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2023 do IDH, Hiệp hội Gia vị châu Âu và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đồng thực hiện tại 3 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai) cho khoảng 10.000 nông dân đã góp phần nâng cao năng lực trong chuỗi cung ứng hồ tiêu để đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu và Mỹ.

Bước sang năm mới 2023, ngành tiêu Việt đứng trước những thuận lợi và thách thức đan xen. Tuy nhiên, thời gian qua đã chứng minh, sự chuyển dịch từ phát triển hồ tiêu theo phong trào, chú trọng năng suất sang sản xuất hồ tiêu bền vững, an toàn, chất lượng đem lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất hồ tiêu theo hướng truyền thống. Điều này từng bước xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt ngày càng vững mạnh.