Kinhtedothi - Ngày 2/6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết dự án giai đoạn II (2007 - 2016) Chương trình “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam”. Dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) từ năm 2003. Sau gần 10 năm triển khai giai đoạn II, dự án đã hỗ trợ xây dựng 132.360 công trình khí sinh học ( hầm biogas) ở 55 tỉnh, TP, nâng số lượng công trình được xây dựng từ năm 2003 lên 157.800 công trình. Các công trình này đã cung cấp nguồn năng lượng sạch và tái tạo cho hơn 600.000 người dân, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế xanh đạt gần 42 triệu USD. Dự án đã cung cấp phụ phẩm khí sinh học như một loại phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt.
Toàn cảnh hội nghị. |
Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ước tính hàng năm ngành chăn nuôi thải ra 85 triệu tấn chất thải, ảnh hưởng lớn đến môi trường vệ sinh nông thôn và làm tăng hiệu ứng khí nhà kính. Người dân và Chính phủ nhận thấy rõ việc xây dựng các công trình khí sinh học nông hộ vẫn là giải pháp hữu hiệu hiện nay trong xử lý chất thải chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng công trình khí sinh học cũng mang lại đa lợi ích về cung cấp năng lượng, cung cấp phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp, vệ sinh, sức khỏe. Dựa trên những thành công của Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” giai đoạn II, Cục Chăn nuôi đã xây dựng đề xuất dự án mới Dự án “Chương trình khí sinh học quốc gia”. Mục tiêu tập trung phát triển ngành khí sinh học bền vững định hướng thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực khí sinh học với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Dự kiến thời gian thực hiện dự án giai đoạn mới từ 1/7/2016 – 31/12/2020 tại 45 tỉnh, TP với kinh phí hơn 8,3 triệu Euro để hỗ trợ xây dựng 100.000 công trình khí sinh học, trong đó SNV hỗ trợ hơn 3,49 triệu Euro.