Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá trứng gia cầm lao dốc: Người chăn nuôi thêm nỗi lo

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cung lớn hơn cầu, giá trứng gia cầm liên tục giảm, diễn biến này lại khiến người chăn nuôi lo lắng.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ có thêm không ít hộ chăn nuôi gia cầm đứng trước không ít khó khăn.
Trứng gia cầm giảm giá mạnh
Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như Kim Liên, Thành Công cho thấy, từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả các loại trứng giá cầm từ trứng vịt, trứng gà công nghiệp, gà Ai Cập cho đến trứng cút, trứng vịt lộn đều giảm từ 300 - 700 đồng/quả tùy loại. Cụ thể, giá trứng vịt loại to chỉ còn 3.000 đồng/quả, giảm 500 đồng/quả, trứng vịt loại nhỏ giá 2.000 đồng/quả, giảm 400 đồng/quả; trứng gà Ai Cập giá từ 3.500 đồng/quả giảm xuống còn 2.800 đồng/quả; trứng gà công nghiệp loại to 2.000 đồng/quả, giảm 700 đồng/quả... Bà Lê Thị Thảo, tiểu thương tại chợ Kim Liên cho biết: "Không chỉ giảm giá mà sức mua cũng giảm mạnh. Đầu tháng 4, trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 600 - 800 quả trứng, nhưng bây giờ, số lượng trứng gia cầm bán ra giảm chỉ còn 300 - 400 quả/ngày.

Người tiêu dùng mua trứng gia cầm tại siêu thị Fivimart.  Ảnh: Thu Hương

Phân tích nguyên nhân giá bán trứng gia cầm giảm mạnh, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: Đây là hiện tượng mang tính chất chu kỳ. Bắt đầu từ tháng 4, tháng 5 và những tháng mùa Hè không phải mùa cưới, nên nhu cầu sử dụng thịt và trứng gia cầm luôn sụt giảm mạnh. Để tránh cung vượt cầu, người chăn nuôi tự động giảm đàn nên nhu cầu về gia cầm giống cũng giảm theo. Ngoài ra, những thông tin bất lợi như dịch cúm gia cầm khiến thị trường giảm lượng tiêu thụ... cũng khiến trứng gia cầm rớt giá.
Nỗi lo trước hàng nhập khẩu
Mặc dù giá trứng gia cầm giảm mạnh, nhưng Bộ Công Thương vẫn cho nhập khẩu trứng gia cầm với số lượng lớn. Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2017 đối với mặt hàng trứng gia cầm thương phẩm không có phôi với hạn ngạch nhập khẩu là 50.051 tá, tăng 1.431 tá so với hạn ngạch nhập khẩu trứng gia cầm năm 2016. Điều này khiến người chăn nuôi gia cầm trong nước không chỉ phải đối mặt với thị trường ảm đạm, các loại phí liên quan tăng còn phải lo đương đầu với lượng hàng nhập ngoại lớn.
Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Ba Huân Hà Nội (DN vừa đưa vào hoạt động nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ) cho rằng: Hiện nay, năng lực cung ứng sản phẩm trứng của các DN trong nước có thể đáp ứng đủ, thậm chí dư thừa cho nhu cầu thị trường. Vì vậy trong quá trình nhập khẩu trứng gia cầm, đường, muối theo quy định WTO, Bộ Công Thương cũng cần xây dựng hàng rào kỹ thuật. Qua đó giảm bớt áp lực thua lỗ cho DN, người chăn nuôi gia cầm.

Việc Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu trứng gia cầm bởi Việt Nam phải tuân thủ theo cam kết WTO mở cửa thị trường. Tuy nhiên, để tránh tác động trực tiếp lên thị trường, Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ, chống “sốc” để DN vượt được qua khó khăn, nhất là đối với các DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi.

TS Đào Thế Anh  Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm,

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam