Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng 24/2: Đảo chiều tăng mạnh khi xung đột Ukraine lên cao

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay (24/2), giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng mạnh, khi các bên liên quan đến xung đột ở khu vực Ukraine chưa vẫn gia tăng căng thẳng. Giá vàng SJC đã vượt ngưỡng 64 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước và thế giới cùng vọt cao. Ảnh minh họa.
Giá vàng trong nước và thế giới cùng vọt cao. Ảnh minh họa.

Chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng phiên tại thị trường Mỹ tại ngưỡng 1.909 USD/ounce, tăng hơn 11 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Ngay đầu phiên sáng nay, lúc 8 giờ phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.912 USD/ounce, tăng hơn 12 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước tiếp tục vọt tăng lên trên ngưỡng 64 triệu đồng/lượng, khi diễn biến căng thẳng tại khu vực Ukraine tiếp tục leo thang.

Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 63,55 – 64,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 63,55 – 64,27 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 350.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng đến 500.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 63,4 – 64,2 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này cũng đã tăng đến 550.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 63,55 – 64,18 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 430.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 500.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 630.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54,1 – 54,8 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá (mua-bán) quanh mức 53,9 – 54,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh là do các bên liên quan đến xung đột tại khu vực Ukraine tiếp tục có động thái gia tăng căng thẳng.

Cụ thể, Đức đã ngừng quá trình cấp giấy chứng nhận cho Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Thủ tướng ông Scholz cho biết, không thể khẳng định liệu đường ống dẫn khí đốt này có còn cơ hội tiếp tục hay không và nước này cần phải đánh giá lại mọi việc.

Tổng thống Mỹ ông Joe Biden cũng cho biết, Mỹ sẽ làm việc với Đức để đảm bảo Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không tiếp tục được triển khai.

Ngay sau khi Đức ngừng quá trình cấp giấy chứng nhận cho Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 thì Nga đã phát đi thông điệp rằng, châu Âu có thể phải trả giá khí đốt tăng gấp đôi hiện nay.

Trong khi Tổng thống Nga Putin vẫn phát đi thông điệp rằng, Nga vẫn muốn có cuộc họp giữa các bên để giải quyết vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ đã hủy cuộc đàm giữa Nga và Mỹ diễn ra vào ngày hôm nay (24/2) về vấn đề này.

Như vậy, căng thẳng địa chính trị tại khu vực Ukraine tiếp tục leo thang, trong khi các bên chưa có thiện chí ngồi lại thảo luận để hạ “nhiệt”.

Giới chuyên gia cho rằng, khi đóng băng Dòng chảy phương Bắc 2 thì Nga chưa chắc đã thiệt hại nhiều như châu Âu. Bởi thị trường năng lượng dầu mỏ vẫn đang thiếu hụt trầm trọng kể từ khi các nước mở cửa nền kinh tế sau đại dịch. Hồi đầu tháng 1/2022, các nước OPEC+ đưa ra kế hoạch tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, nhưng thực chất đến nay thị trường dầu mỏ chưa tăng thêm. Nếu Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 bị ngừng triển khai thì châu Âu vẫn phải dùng khí đốt. Nga có thể không bán trực tiếp đến châu Âu, nhưng có thể bằng những con đường khác để bán.

Dự báo, nếu như vậy, giá khi đốt tại khu vực châu Âu có thể còn tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, một doanh nghiệp sản xuất tại châu Âu và Anh đã lên kế hoạch tăng giá bán hàng hóa do giá nguyên, nhiên liệu tăng cao. Trong khi tỷ lệ lạm phát tháng 1/2022 tại châu Âu đã tăng 5%, cao nhất trong vòng 25 năm qua.

Nếu khí đốt và hàng hóa tăng giá, dự báo lạm phát tại khu vực này có thể còn lên cao hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong khu vực. Dự báo giá vàng còn thể còn tăng mạnh hơn, khi lạm phát dâng cao.