Giá vàng cao kỷ lục cận ngày Thần tài

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường vàng tiếp tục bị "đốt nóng" ngay trước thời điểm ngày Thần tài, với giá bán cao nhất lịch sử: 63,50 triệu đồng/lượng. Cùng với đó hàng trăm nghìn sản phẩm vàng được tung ra thị trường.

Vàng liên tiếp lập đỉnh, cao hơn thế giới tới 14 triệu đồng/lượng

Sau 2 ngày mở cửa, giá vàng SJC tăng chóng mặt với mức tăng cao nhất 1,1 triệu đồng/lượng, lần lượt thiết lập kỷ lục mới bán ra ở mức 63,45 triệu đồng/lượng (ngày 7/2) và 63,47 triệu đồng lượng (ngày 8/2). Đà tăng này cũng nối dài chuỗi phiên giao dịch ấn tượng của vàng miếng SJC trong tuần giao dịch trước Tết. So với giữa tháng 1, giá vàng miếng SJC hiện đã tăng gần 1,5 triệu đồng.

Sản phẩm Kim Dần phát lộc của DOJI với hình ảnh Hồ vàng mạnh mẽ
Sản phẩm Kim Dần phát lộc của DOJI với hình ảnh Hồ vàng mạnh mẽ

Không riêng vàng miếng, giá vàng nhẫn SJC 99,99% cũng ghi nhận xu hướng tăng mạnh, hiện được mua vào ở mức 53,7 triệu/lượng và bán ra ở 54,5 triệu đồng, tăng lần lượt 850.000 đồng chiều mua và 950.000 đồng chiều bán so với trước Tết. Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng nhẫn SJC loại 99,99%.

Trong khi đó, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đưa giá bán vàng miếng vượt mốc 63 triệu đồng (63,15 triệu đồng/ lượng) bán ra. Cùng xu hướng, giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng tăng mạnh 950.000 đồng chiều mua vào và 1 triệu đồng chiều bán ra, lên 62,70 - 63,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng dữ dội trong bối cảnh nhu cầu mua vàng để lấy may của người dân, người kinh doanh buôn bán thường tăng mạnh vào dịp Tết và ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch). Càng sát ngày vía Thần Tài, giá vàng trong nước càng tăng mạnh. Đáng chú ý, giá vàng trong nước tăng cao trong khi giá vàng thế giới không có nhiều biến động, đẩy biên độ chênh lệch lên mức cao kỷ lục mới.

Giá vàng thế giới đêm qua giao dịch trên ngưỡng 1.820 USD/ounce. Lúc 9 giờ sáng nay, giá vàng thế giới vẫn duy trì trên ngưỡng này tại 1.823,8 USD/ounce sau khi tăng thêm 2,5 USD (0,14%).

Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank giá vàng thế giới (tương đương trên 49,8 triệu đồng/ lượng), như vậy vàng trong nước đang cao hơn vàng thế giới lên tới gần 14 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch cao nhất từ trước đến nay.

Giá vàng trong nước tăng dữ dội trong 2 ngày qua trong bối cảnh nhu cầu mua vàng để lấy may của người dân, người kinh doanh buôn bán thường tăng mạnh vào dịp Tết và ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch). Thông lệ hàng năm, càng sát ngày vía Thần Tài, giá vàng trong nước càng tăng mạnh.

Đón trước cơ hội kinh doanh lớn đầu năm, các DN vàng trong nước đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ người dân. Đặc biệt nhiều DN còn chế tác thành linh vật Hổ của năm 2022 để thu hút người tiêu dùng.

Ghi nhận tại hệ thống cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội), từ nay đến 10/2, hệ thống đã tung ra thị trường vàng các sản phẩm như: Bản vị vàng Thần Tài - Khai Xuân đại phát; Linh vật Kim Dần Thần Tài; quà mừng vàng Thần Tài; Đĩnh vàng tài lộc cùng rất nhiều trang sức nhẫn, lắc tay, dây chuyền vàng tây 14k, 18k, 24k…

Còn tại hệ thống Doji, “Ngày hội vàng 2022” sẽ diễn ra từ mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch, tức từ ngày 8 - 10/2/2022. Doji dự kiến sẽ tung ra 380.000 sản phẩm, tăng gần 15% so với dịp Thần Tài năm 2021. Chủ lực là vàng ép vỉ với các sản phẩm như: Kim Dần Chiêu Tài, Kim Dần Phát Lộc, Âu Vàng Phúc Long, Thần Tài Thịnh Vượng, Thần Tài Đại Phất…

Công ty CP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) đã thiết kế, chế tác loạt sản phẩm đa dạng và độc đáo như Tượng Kim Dần Đại Cát (lớn) bằng hợp kim cao cấp mạ vàng 24k cẩn đá ruby và Kim Dần Thịnh Vượng (nhỏ) bằng vàng 24k...

Nắm bắt tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị kinh doanh vàng đã thông báo cho khách hàng đặt mua online để tránh tình trạng phải xếp hàng chờ lâu trong ngày vía Thần Tài.

Trước thềm “Thần tài”, tranh thủ bán chốt lời

Thời điểm này, giá vàng đang trên đỉnh cao lịch sử. Khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán vẫn còn cao. Theo chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, với mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao hiện nay đang gây thiệt thòi cho người mua vàng. Nhiều người có thói quen mua vàng cầu may mắn, song giá đang trên đỉnh cao lịch sử khiến không ít người phân vân vía Thần Tài 2022 có nên mua vàng, và nếu có thì mua ít hay nhiều để cầu may mắn, tài lộc?

Thực tế, vào ngày vía Thần Tài, người dân đổ xô đi mua vàng, nhưng mua vàng vào ngày Thần Tài là để cầu may. Do đó, lời khuyên là khách hàng không nên bỏ quá nhiều tiền để mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài. Bởi, mua vàng lấy may về thường được cất đi, để dành không sử dụng đến, trong khi nếu đưa tiền vào kinh doanh thì tiền sẽ sinh sôi nảy nở.

Chưa kể, vào ngày vía Thần Tài, giá vàng còn có xu hướng tăng mạnh hơn so với ngày thường nên mua sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn so với bình thường. Trong khi đó, mức chênh lệch mua – bán vàng được đẩy lên cao, đẩy rủi ro sẽ thuộc về phía người mua.

Ngay sau ngày vía Thần Tài kết thúc, giá vàng có xu hướng giảm mạnh và người mua sẽ lỗ nặng nếu có ý định đầu tư. Ai lướt sóng vàng thời điểm này cũng rất rủi ro? Do chênh lệch với thế giới ngày càng lớn, các chuyên gia khuyến cáo nếu mua vàng để cầu may người dân chỉ nên mua ít, không “ôm” số lượng lớn bởi khi giá vàng giảm mạnh, người mua vàng sẽ bị lỗ nặng.

Một đơn vị kinh doanh vàng cho biết trước Tết, các DN đã tăng mạnh giá vàng miếng với mục đích chuẩn bị lượng hàng cho ngày vía Thần Tài. Tuy nhiên, số lượng mua được từ thị trường không nhiều, dẫn tới tình trạng khan hiếm vàng miếng SJC hiện nay. Thay vì vàng miếng, người dân nên tìm mua các loại vàng nhẫn do DN tự chế tác. Nguyên nhân vì đây là mặt hàng vàng các DN có thể tự chủ động nguồn cung nên không bị tình trạng giá đẩy lên quá cao.

Ngoài ra, so với vàng miếng, các loại vàng nhẫn cũng có diễn biến sát hơn với giá thế giới, người mua không bị chịu lỗ quá nhiều từ chênh lệch giá mua - bán DN đưa ra.

Ghi nhận từ thị trường, thay vì đổ xô mua, một số bộ phận người mua vàng từ trước ở vùng giá thấp đã tranh thủ bán chốt lời ngay dịp Thần tài.