Giá vàng trong nước tăng trở lại 58 triệu đồng/lượng
Giá vàng tuần qua đã tăng 500.000 đồng/lượng. Đóng cửa giao dịch cuối tuần 23/10, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 57,55 - 58,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). DOJI Hà Nội, giao dịch mua – bán niêm yết tại mốc 57,45 – 58,15 triệu đồng/lượng.
Thị trường thế giới, giá vàng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.793 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce. Giá vàng ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp, nhờ USD giảm, làm suy yếu áp lực từ lợi suất trái phiếu cao và triển vọng về khả năng các ngân hàng trung ương có thể bắt đầu giảm hỗ trợ kinh tế.
Ảnh minh hoạ |
Giám đốc Nghiên cứu Công ty Tư vấn kinh doanh Insignia Consultants (Ấn Độ) Chintan Karnani nhận định, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi những lo ngại về lạm phát. Đồng thời cho biết, Ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát, và trong hai tuần tới sẽ diễn ra nhiều cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn, như Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Fed.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích lạc quan về giá vàng, nhưng họ cho rằng, thị trường sẽ không thu hút được lượng vốn lớn cho đến khi ngưỡng kháng cự 1.835 USD bị phá vỡ.
Trong tuần có lúc giá vàng thế giới tăng mạnh lên trên ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD/ounce. Cụ thể, lúc 21 giờ 30 đêm 23/10, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tăng vọt thêm 28,70 USD (1,61%) lên 1.812,80 USD/ounce. Tuy nhiên, sau khi chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự đoán lạm phát sẽ hạ nhiệt vào năm tới, và ngân hàng trung ương Mỹ đã chuẩn bị bắt đầu giảm các biên pháp kích thích, giá vàng đã quay đầu giảm, mất ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Nếu theo dõi, có thể thấy, gần đây giá vàng thế giới nhiều lần thất bại trước ngưỡng cản 1.800 USD/ounce. Tâm lý rủi ro đang xuất hiện mạnh trên thị trường, và các nhà giao dịch nhìn thấy tiềm năng từ các kênh đầu tư khá. Do vậy, thường xảy ra các đợt chốt lời khi giá vàng thế giới tiến sát vùng giá này.
Giá vàng tăng vọt trong phiên cuối tuần, có lúc đã vượt qua ngưỡng 1.800 USD, nhưng một lần nữa không thể duy trì thành quả được lâu. Diễn biến giá vàng vì thế trải qua nhiều cung bậc, có lúc tăng vọt gần 30 USD, có lúc giảm nhanh liên tiếp 10 USD.
Dù được dự báo khả quan nhưng cả tuần qua giá vàng thế giới vẫn không trụ lâu trước ngưỡng 1.800 USD/ounce. Trong khi đó, giá tiền ảo liên tục tăng mạnh cũng khiến sức hấp dẫn của vàng giảm bớt. Giá Bitcoin có lúc vượt 66.900 USD, phá vỡ kỷ lục cũ là 64.899 USD thiết lập hồi cuối tháng 2.
Giao dịch ảm đạm vẫn “găm” giá cao
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 9,5 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, thực tế giá vàng trong nước lâu nay vẫn cao hơn so với thế giới nhưng càng ngày mức chênh càng lớn dần. Đơn cử như thời điểm cuối tháng 7/2020, khi giá thế giới biến động mạnh, vàng trong nước lên cao kỳ lục hơn 60 triệu đồng/lượng thì mỗi lượng SJC cũng chỉ cao hơn giá quốc tế 2 - 2,5 triệu đồng/lượng. Đến tháng 8/2020, mức vênh giữa hai thị trường là 4 - 4,5 triệu đồng/lượng. “Tuy nhiên, trong vòng 1 năm trở lại đây, giá vàng trong nước có một số thời điểm cao từ 8,5 - 9,5 triệu/lượng. Đây là mức chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây” - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Phan Dũng Khánh nhận định.
Bà Nguyễn Thị Minh (quận Hai Bà Trưng) cho biết những năm trước, thỉnh thoảng bà vẫn mua vàng để tích lũy nhưng 1 năm trở lại đây đã không mua mà gửi tiết kiệm vì giá vàng trong nước cao hơn thế giới rất nhiều so với thông thường. Thực tế, giới kinh doanh vàng “neo” ở mức cao để giữ giá là chính, chứ không phản ánh đúng những diễn biến trên thị trường. Khảo sát tại các cửa hàng vàng những ngày gần đây cho thấy không có hiện tượng mua bán đầu cơ tích trữ, chỉ có khách lẻ đến mua những món nhỏ hoặc vàng trang sức.
Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Phan Dũng Khánh cho biết, sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới nhiều như vậy là do nguồn cung vàng hiện độc quyền bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên thị trường vàng khan hiếm nguồn cung, từ đó, đẩy giá lên cao. "Đó là lý do vì sao giá vàng thế giới tăng hoặc giảm mạnh nhưng vàng trong nước không thay đổi nhiều, thậm chí là đứng yên" - ông Khánh nhận định.
Việc giá vàng trong nước liên tục duy trì cách biệt gần 10 triệu đồng/lượng khiến cho giá USD tự do “nổi sóng” và cao hơn so với giá bán tại ngân hàng. Trong phiên ngày 23/10, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.142 VND/USD (không đổi). Vietcombank mua vào 22.625 - 22.655 đồng/USD và bán ra 22.855 đồng/USD; Eximbank mua vào với giá 22.660 - 22.670 đồng/USD và bán ra 22.830 đồng/USD… Chênh lệch giữa giá mua và bán USD của các ngân hàng quanh mức 300 đồng/USD. Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.330 đồng/USD và bán ra 23.370 đồng/USD, giá mua tăng 30 đồng và giá bán tăng 20 đồng.
Theo các chuyên gia, diễn biến trên có thể do giới kinh doanh gom USD để nhập vàng qua đường biên mậu, từ đó đẩy giá USD tự do cách biệt xa với giá USD ngân hàng. Còn trên thực tế nhu cầu mua USD của người dân lúc này không cao bởi giữ USD hiện không lợi bằng VND. Nguyễn nhân vì lãi suất USD bằng 0 và giá USD năm nay có xu hướng đi xuống so với đầu năm. Với giá USD tự do và giá vàng nhẫn như hiện nay, nếu trót lọt giới kinh doanh có thể dễ dàng bỏ túi vài triệu đồng/lượng.
Về triển vọng dài hạn, ông Khánh cho rằng, năm 2021 là một năm đảo lộn mọi quy luật về vàng, do đó, nhà đầu tư sẽ cần phải thận trọng khi lựa chọn mua vào trong lúc này… “Đối với mua vàng tài khoản trên thị trường thế giới, nhiều nhà đầu tư tranh thủ lướt sóng song cũng hết sức cẩn thận, còn mua vàng vật chất tại Việt Nam thì rất khó có lời” – ông Khánh nói.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thực tế thời điểm này nhu cầu trong nước không cao, người dân không còn tích trữ vàng nhiều như trước. Theo vị chuyên gia này, người mua vàng vật chất thời điểm này, chủ yếu chỉ để đảm bảo giữ được giá trị đồng tiền, chống lạm phát và khi giá vàng thế giới giảm thì vàng Việt Nam sẽ không giảm nhiều.