Giá vàng chiều 15/2: SJC bất ngờ đảo chiều giảm mạnh đến 650.000 đồng/lượng

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi tăng mạnh phiên sáng, đến chiều nay giá vàng cả thị trường quốc tế và trong nước đều đảo chiều giảm mạnh. Giá vàng SJC trên thị trường giảm đến 650.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC giảm mạnh trong phiên chiều 15/2
Giá vàng SJC giảm mạnh trong phiên chiều 15/2

Theo đó, lúc 16 giờ chiều nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.861 USD/ounce, giảm 9,8 USD/ounce so với lúc 8 giờ 30 phút sáng nay.

Đi theo xu hướng thế giới, giá vàng SJC trên thị trường trong nước cũng đảo chiều giảm mạnh so với sáng.

Cụ thể, sau khi vượt ngưỡng 63 triệu đồng/lượng vào đầu phiên sáng, lúc 16  giờ chiều nay, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 62,15 - 62,85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 62,15 - 62,87 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều giảm mạnh 350.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 370.000 đồng/lượng chiều bán so với đầu phiên sáng nay. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 61,9 - 62,5 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm mạnh 650.000 đồng/lượng chiều bán ra so với đầu phiên sáng nay. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 62,1 - 62,8 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với đầu phiên sáng nay. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 53,65 - 54,35 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với đầu phiên sáng nay. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá (mua-bán) quanh mức 53,6 - 54,4 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với đầu phiên sáng nay. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Theo nhận định của các chuyên gia, giá vàng giảm mạnh là do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine “hạ nhiệt” khi Nga rút quân đội tại Quân khu phía Nam và phía Tây từ ngày 15/2 sau khi hoàn thành các cuộc tập trận.

Trước đó, Mỹ và NATO cảnh báo Nga tập hợp khoảng 130.000 binh lính gần biên giới với Ukraine nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Nga đang tổ chức các cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều năm qua với nước láng giềng Belarus, dự kiến kết thúc ngày 20/2.

Cùng với đó, thông tin kinh tế tích cực đã khiến giới đầu tư chốt lời vàng, đẩy giá kim loại quý giảm mạnh. Cụ thể, hôm nay (15/2), Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý IV/2021 đã tăng 1,3% so với quý 3 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Dù không đạt được mục tiêu như dự báo, nhưng trong tình hình dịch bệnh vẫn gia tăng thì đây vẫn được coi là mức tăng trưởng tốt và phục hồi sau dịch của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Mặc dù, kim ngạch xuất nhập khẩu của Hàn Quốc âm, nhưng tăng trưởng xuất khẩu tháng 1/2022 của xứ sở Kim Chi đã tăng mạnh 15,2%, nhập khẩu tăng 35,3%, điều này cho thấy hàng hóa lưu thông trên thị trường quốc tế đang rất tích cực. Dự báo sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng những quý tiếp theo.