Giá vàng còn biến động mạnh
Kinhtedothi - Tuần qua, thị trường vàng lại chứng kiến giá vàng thế giới giảm, vàng trong nước tăng sốc. Các chuyên gia dự báo, thị trường còn biến động bởi tâm lý đầu cơ, lướt sóng.
Vàng lập kỷ lục mới, chênh lệch tới 17 triệu đồng so với thế giới
Sau khi lao dốc mạnh cuối tuần trước, ngay đầu tuần này giá vàng lại tăng sốc lên tới 124 triệu đồng/lượng.
Tuần trước, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để ổn định thị trường vàng, không được để hiện tượng đầu cơ, làm giá, trục lợi thị trường xảy ra, ngay lập tức giá vàng giảm về 110 triệu đồng/lượng từ mức kỷ lục 120 triệu đồng/lượng.
Tuy vậy, sang đầu tuần này, giá vàng đã nhanh chóng tăng trở lại và vượt kỷ lục cũ 120 triệu, lên 124 triệu đồng/lượng. Chỉ trong hai ngày đầu tuần, giá vàng miếng SJC đã đảo chiều tăng đến 10 triệu đồng/lượng, nhưng có tiền không dễ mua được vàng. Số lượng người xếp hàng chờ mua vàng vẫn không ngớt.

Mua bán vàng tại cửa hàng trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trong khi đó giá vàng thế giới đã quay đầu giảm. Sau khi gần chạm ngưỡng 3.500 USD/ounce, chiều tối 24/4, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm về mức 3.426 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 107,7 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 16,24 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn cao hơn 12,24 triệu đồng/lượng.
Tâm lý đầu cơ, lướt sóng
Trong quá khứ, giá vàng từng trải qua nhiều “cơn sốt”. Mỗi lần NHNN can thiệp giá vàng chỉ tạm lặng sóng trong ngắn hạn sau đó lại biến động mạnh.
Đơn cử như khi NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng và bán trực tiếp qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm hạ nhiệt giá. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính tạm thời. Đầu năm 2025, giá vàng tiếp tục lập đỉnh mới, từ 84 triệu lên 100,9 triệu đồng/lượng chỉ trong chưa đầy 3 tháng, cho thấy những bất ổn vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Giá vàng biến động theo thị trường thế giới nhưng trong nước bị đẩy lên quá mức bởi tâm lý đầu cơ, lướt sóng. Chính sách quản lý chậm điều chỉnh, trong đó vàng miếng SJC độc quyền gây mất cân đối lớn, khiến thị trường dễ bị thao túng, khó kiểm soát.
Có thương hiệu vàng hết hàng với vàng nhẫn hoặc chỉ bán ra rất nhỏ giọt, dựa trên nguồn vàng mua vào. Công ty SJC nhiều thời điểm cũng giới hạn số lượng vàng được mua tối đa của mỗi khách hàng. Có trường hợp muốn mua số lượng nhiều hơn đã kéo cả gia đình đến xếp hàng. Nhận định về thói quen của người tiêu dùng, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng cho biết, hiện nay, thay vì tích trữ vàng như trước, người dân chủ yếu mua vàng để đầu tư lướt sóng, tận dụng sự biến động của giá vàng để kiếm lời. Đó cũng là lý do có thời điểm giá vàng trong nước lệch pha với thế giới, khi thế giới giảm trong nước tăng và khi thế giới tăng trong nước lại giảm mạnh. Giá vàng trong nước bị ảnh hưởng theo tâm lý thị trường.
Trích dẫn
Cùng với giá vàng, giá USD trong nước thời gian qua cũng biến động rất mạnh. Ngày 22/4 sau khi giảm nhẹ ở phiên sáng, đến chiều tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại quay đầu tăng mạnh từ 45 - 60 đồng, mua vào là 25.725 đồng/USD và bán ra là 26.115 đồng/USD, vượt xa mốc 26.000 đồng. Tỷ giá USD/VND đang đối mặt với những rủi ro mới từ các thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu và lộ trình lãi suất của Mỹ. Việc duy trì sự ổn định tỷ giá trong phần còn lại của năm nay đòi hỏi chính sách điều hành linh hoạt, sát sao và chủ động từ NHNN.
Sau một thời gian kéo chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng quốc tế hiện ở mức 3 - 4 triệu đồng/lượng, trong 2 tuần qua, khoảng cách này đã nới rộng lên tới 16,24 triệu đồng/lượng, sắp trở lại mức 18 - 20 triệu đồng/lượng cách đây gần 1 năm.
Ông Đinh Nho Bảng nhận định, thị trường vàng hiện nay có sự biến động không ngừng liên tục chứng kiến những đợt biến động mạnh do tác động từ các yếu tố toàn cầu. Ông Bảng cho rằng, trong hơn 1 thập kỷ qua, Nghị định 24 dù đã góp phần ổn định thị trường nhưng cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Rủi ro ngày càng tăng
Giá vàng thế giới và trong nước bất ngờ diễn biến bất thường từ giữa tháng 4, cho thấy rủi ro của thị trường vàng nói riêng và lo ngại về ổn định vĩ mô đang lớn dần.
Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2025 gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, NHNN cũng chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng trong thời gian qua. Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Israel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông.
Thứ hai, nhiều ngân hàng T.Ư và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối.
Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…
Theo đánh giá của NHNN, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên, chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024 (khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%), đến nay còn khoảng 2 - 4 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 3 - 5%).
Tuy nhiên, diễn biến thị trường hiện nay lại ngược với báo cáo của NHNN khi chênh lệch với thế giới trong ngày 22/4 đã lên tới gần 17 triệu đồng/lượng. Và nguyên nhân đã được các chuyên gia chỉ ra là tình trạng mất cân đối cung cầu trong nước. Nguồn cung nội địa hiếm hoi và nhu cầu mua trong nước tăng đột biến. Điều này càng góp phần kéo giãn con số chênh lệch với giá nội địa.
Giải pháp bình ổn thị trường vàng chỉ mang tính tình thế, ngắn hạn. Về lâu dài, căn cơ, phải đẩy nhanh sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Trích dẫn
Cần sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép một số DN có uy tín nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu vừa phải… Có như vậy, thị trường vàng mới ổn định, giá vàng SJC không bị tâm lý thị trường đẩy lên mức khá cao khiến chênh lệch với giá quốc tế quá cao.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam
Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, thách thức lớn đối với cơ quan quản lý đối mặt không chỉ là giá vàng thế giới tăng cao bất thường, quan trọng hơn là các chính sách thuế quan từ Mỹ, các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như những ảnh hưởng đến tỷ giá, buộc cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải có cách tiếp cận và phải "rất thận trọng" trên thị trường vàng.
Và vì thế thị trường vàng sẽ còn biến động mạnh, rủi ro thị trường được các chuyên gia là đánh giá đã lên ở mức cao, khi nhìn vào con số chênh lệch giữa giá bán và giá mua của nhà vàng, cũng như mức chênh lệch giữa giá nội địa và giá thế giới. “Hiện nay, việc mua vào rủi ro rất cao vì hiện tại giá trong nước và quốc tế chênh lệch khá lớn” - PGS. TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh) nói.
Trích dẫn
Trong bối cảnh hiện nay, việc ổn định thị trường vàng rất khó khăn, bởi nguyên tắc để ổn định thị trường là cần có nguồn cung. Ở thời điểm hiện tại rất khó để sử dụng ngoại tệ nhằm can thiệp vào thị trường vàng. Giải pháp trước mắt chỉ có thể là sử dụng các biện pháp hành chính để điều tiết thị trường, từ đó giảm chênh lệch giá với thị trường thế giới xuống mức thấp nhất và hạn chế xu hướng đầu tư, tích trữ vàng. Về lâu dài cần giải quyết bài toán nguồn cung vàng, đồng thời việc xây dựng thị trường vàng tín chỉ sẽ góp phần giải quyết khi nhu cầu về vàng vật chất tăng cao.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh

Giá vàng từ đỉnh cao rơi không phanh: Giữ hay bán lúc này?
Kinhtedothi - Sau khi tăng tới 10 triệu đồng mỗi lượng trong hai phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng trong nước hôm nay quay đầu giảm. Từ sáng đến chiều nay, giá vàng miếng SJC và nhẫn trơn liên tục được các thương hiệu điều chỉnh giảm mạnh.

Chọn vàng hay chứng khoán?
Kinhtedothi-Liên tục các phiên đấu giá tuần, thị trường chứng khoán liên tục chứng kiến những phiên rung lắc khiến nhà đầu tư hoang mang. Trong khi giá vàng lên đỉnh khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc có nên "quay xe" chọn vàng thay vì chứng khoán.

Giá vàng hôm nay 24/4: tiếp tục giảm sâu
Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay 24/4, thị trường thế giới tiếp tục giảm sâu so với phiên trước, khi Mỹ xuống thang trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. Thị trường trong nước giá vàng miếng SJC và nhẫn quay đầu giảm mạnh.