KTĐT - Rõ ràng vàng đang khuấy đảo thị trường dự trữ ngoại tệ và có thể còn tạo ra nhiều cơn sốt nữa trong tương lai vì nhiều hơn hai yếu tố trên.
Thế giới và ngay cả Việt Nam vừa trải qua giai đoạn đỉnh điểm của cơn sốt kim loại quý, đó là vàng.
Giá vàng trên thị trường thế giới thời gian qua đã phá ngưỡng 1.000 USD/ounce và được dự kiến còn leo đến mốc 2.000 USD/ounce trong 10 năm tới. Có thể do đồng USD yếu, có thể do nhu cầu về vàng tăng nhanh hơn nguồn cung nên mới gây cơn sốt trầm trọng đến vậy.
Rõ ràng vàng đang khuấy đảo thị trường dự trữ ngoại tệ và có thể còn tạo ra nhiều cơn sốt nữa trong tương lai vì nhiều hơn hai yếu tố trên.
Lâu nay, người ta đã dự đoán về một cuộc chiến giữa vàng và đồng USD trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với phần thắng thuộc về vàng. Tính riêng từ tháng 11/2008 - 1/2009, giá vàng đã tăng từ 700 lên gần 1.000 USD/ounce.
Sau một thời gian củng cố, giá vàng tiếp tục biến động theo hướng đi lên do nhu cầu về vàng tăng mạnh. Thậm chí còn xuất hiện tín hiệu tranh mua khiến vàng càng lên giá. Trong khi đó, USD liên tục trượt giá.
Trong khoảng 6 tháng qua, USD đã giảm giá 11,5% xét về tương quan giao dịch thương mại so với các đồng tiền khác. Có tình trạng này là do các nhà đầu tư không còn an tâm về tính ổn định của đồng USD, cộng thêm chính sách đồng USD yếu của chính phủ Mỹ để hạn chế sức ép từ các khoản nợ xấu và kích thích nền kinh tế hồi phục. Giới chuyên gia nhận định trong vòng từ 2 - 5 năm nữa, đồng USD còn giảm tới 20% giá trị so với đồng euro.
Nhưng tại sao thế giới lại thay thế đồng USD bằng vàng? Một phần lớn nguyên nhân là do các nhà đầu tư không tin tưởng đồng USD, nhưng cũng chẳng an tâm với các đồng tiền tệ khác. Với đặc tính tương đối khan hiếm, vàng khiến giới đầu tư cảm thấy an toàn hơn cả một đồng tiền lành mạnh.
Hơn nữa, sao lại không đầu tư vào vàng khi ngay cả Trung Quốc, một nước vốn kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động buôn bán vàng bạc, thì nay cũng khuyến khích người dân mua vàng.
Với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên tới hơn 2.000 tỷ USD, Trung Quốc được coi là có tiềm lực tài chính để kiểm soát và dẫn dắt thị trường vàng thế giới. Đó là chưa kể tới thực tế Trung Quốc hiện là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, là một trong số ít các nước có sản lượng khai thác vàng liên tục tăng và hiện đang trên đà vượt Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ nhiều vàng nhất thế giới.
Có lẽ vì vậy, Trung Quốc chứ không phải Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể tác động tới thị trường giá vàng thế giới. Điều đó giải thích tại sao trong khi IMF tiếp tục bán vàng ra thì giá vàng vẫn tiếp tục leo thang.
Dù "tại anh, tại ả", hay vì lý do gì đi chăng nữa thì việc vàng tăng giá không hẳn là tín hiệu đáng mừng. Một khi vàng trở thành nguồn dự trữ ngoại tệ chủ yếu, thế giới sẽ bị cụt vốn, không có tiền để trả lương cho người lao động chứ chưa nói tới việc trả lương hưu cho đội ngũ hưu trí ngày càng đông đảo. Khi đó, liệu người ta có dám trả lương bằng vàng?/.