Giá vàng hôm nay (1/4): Tiếp tục tăng khi các quỹ đẩy mạnh mua vào

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng nay (1/4) tiếp tục tăng cả trên thị trường quốc tế và trong nước, bất chấp Mỹ có mở thêm lượng bán dầu 1 triệu thùng/ngày. Giá vàng SJC leo lên trên 69 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng. Ảnh minh họa.

Sáng nay, giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội) giao dịch quanh ngưỡng 1.935 USD/ounce, tăng hơn 8 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng chốt phiên tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.937 USD/ounce, tăng mạnh hơn 5 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC trên thị trường trong nước sáng nay cũng tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,35 - 69,05 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 68,35 - 69,07 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 150.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,3 - 69,05 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,2 - 69 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 750.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,1 – 56 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 55 - 56 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã giảm 200.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược trong 6 tháng, kể từ tháng 5, với lượng cung cấp ra thị trường 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Giá dầu thô đang tăng, sau thông tin này đã quay đầu giảm từ hơn 2% đến trên 5% so với trước đó.

Mặc dù vậy, nhưng các quỹ ủy thác đầu tư vàng vẫn gom mạnh kim loại quý. Giới đầu tư nhỏ lẻ cũng gom vàng nhằm bảo toàn vốn và kiếm lợi khi thị trường chưa hết bất ổn.

Nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng đó là, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/3 đã ký Sắc lệnh yêu cầu bên mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng rúp để mua khí đốt của Nga từ ngày hôm nay (1/4). Các hợp đồng sẽ bị tạm đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện.

Cụ thể, Sắc lệnh nêu rõ: Để mua khí đốt tự nhiên của Nga, bên mua phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng của Nga. Các khoản thanh toán sẽ được thực hiện qua tài khoản mở bằng đồng rúp từ ngân hàng Nga để mua khí đốt bắt đầu từ 1/4. Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, Nga sẽ coi đây là lỗi từ phía người mua.

Một số nước châu Âu là Đức và Pháp đã bác bỏ yêu cầu của Nga, cho rằng điều này là hành vi vi phạm hợp đồng. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết ông vẫn chưa thấy Sắc lệnh mới được Tổng thống Putin và Đức đã chuẩn bị cho mọi tình huống, bao gồm cả việc ngừng dòng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã bác bỏ yêu cầu của Nga.

Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin cho rằng sẽ đúng đắn khi Nga mở rộng danh sách hàng hóa xuất khẩu bằng đồng rúp của nước này, bao gồm cả ngũ cốc, dầu mỏ và gỗ.

Hiện các nước châu Âu, khu vực nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga và thanh toán chủ yếu bằng đồng euro. Nga xuất khẩu hàng trăm tỷ USD khí tự nhiên sang châu Âu mỗi năm. Đồng euro chiếm 58% các giao dịch xuất khẩu, đồng USD chiếm 39% và đồng bảng Anh chiếm khoảng 3%.

Chuyên gia nhận định, Nga chính thức xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu bằng đồng rúp từ hôm nay. Nếu các đơn vị tại khu vực châu Âu không tuân thủ thì chắc chắn lượng khí đốt và dầu mỏ tại châu Âu sụt giảm nghiêm trọng khi Nga đóng các van dẫn dầu và khí đốt. Điều này diễn ra khi các nước trong khu vực EU mới chỉ bàn các biện pháp thích ứng, chứ chưa có biện pháp nào hữu hiệu. Còn Mỹ từ tháng 5 tới mới mở kho dự trữ dầu, tức là còn 1 tháng nữa...

Chuyên gia cho rằng, quyết định bán dầu mỏ bằng đồng rúp và tới đây bán ngũ cốc, gỗ… cũng bằng đồng rúp, có thể sẽ khiến cho thị trường phải mất một thời gian để thích ứng. Khi những bất ổn gia tăng khiến giới đầu tư mua vàng vừa để bảo toàn vốn và cũng là để giúp cho họ kiếm lời khi giá tăng cao có thể chốt bán.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần