Giá vàng hôm nay 10/7: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đẩy giá vàng thế giới tăng cao

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (10/7), giá vàng thế giới tiếp tục tăng, bởi ngày 9/7 Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo sẽ sớm bổ sung ít nhất 10 công ty của Trung Quốc và những thực thể khác vào danh sách chịu trừng phạt kinh tế. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào nhằm hạn chế rủi ro cho dòng tiền.

Giá vàng thế giới phụ thuộc vào Fed
Chốt phiên tại thị trường Mỹ vào đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng ở mức trên 1.808 USD/ounce, giảm hơn 6 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 15 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức trên 1.808 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chính phủ Mỹ đưa ra thông tin dự kiến đưa 10 doanh nghiệp và thực thể của Mỹ vào trừng phạt kinh tế chỉ sau gần 1 tháng Bộ Thương mại Mỹ hạn chế xuất khẩu đối với 5 công ty của Trung Quốc đối với sản phẩm vật liệu làm pin năng lượng mặt trời với cáo buộc liên quan đến vấn đề cưỡng bức lao động người ở Tân Cương.
Giới đầu tư lo ngại rằng, các nền kinh tế vẫn đang bị tổn thương do dịch bệnh, nếu gia tăng căng thẳng thương mại thì sẽ có thêm những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của các nền kinh tế. Đây là lý do khiến giới đầu tư tăng lượng nắm giữ vàng.
 Giá vàng thế giới tiếp tục tăng. Ảnh minh họa.

Tuần qua, thị trường vàng trông chờ vào biên bản cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cuối cùng Fed chưa đưa ra được thời điểm hạ tỷ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp. Lạm phát đang gia tăng, việc Fed chưa có động thái nào hạn chế lượng tiền lưu thông trên thị trường khiến cho giới đầu tư lo ngại rủi ro. Cùng với đó, đồng USD quay đầu giảm đã hỗ trợ cho vàng tăng giá. Chốt tuần, giá vàng thế giới đã tăng 20 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Chuyên gia nhận định, giá vàng vẫn đã nhận được sự hỗ trợ của thị trường với yếu tố lạm phát tăng. Cùng với đó, thị trường chứng khoán từ Mỹ, châu Âu, châu Á đang có thời điểm điều chỉnh giảm mạnh, giới đầu tư đang lo ngại làn sóng dịch bệnh lần thứ tư ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên chuyển dòng tiền nắm giữ vàng nhiều hơn.
Vàng trong nước biến động trong biên độ hẹp
Sáng nay, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC diễn biến ngược chiều với giá vàng thế giới. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,75 – 57,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,75 – 57,47 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều giảm 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Doji trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,75 – 57,3 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 500.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,9 – 57,3 triệu đồng/lượng, đi ngang giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 400.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51,25 - 51,95 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 51,2 – 52 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Tuần qua, thị trường vàng trong nước vẫn ảm đạm do thiếu vắng nhà đầu tư lớn. Các phiên giá vàng được điều chỉnh tăng là chủ yếu, nhưng bước giá điều chỉnh hẹp chỉ từ 20.000 – 80.000 đồng/lượng.
Chốt tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do và ở Tập đoàn Doji tăng 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Phú Quý tăng 220.000 đồng/lượng.
Chuyên gia nhận định, giá vàng trong nước vẫn gặp khó khăn, bởi kinh tế vĩ mô vẫn đang có nhiều triển vọng. Thị trường chứng khoán mặc dù bước vào đợt điều chỉnh, nhưng vẫn đón lượng tiền thanh khoản tăng mạnh. Điều này cho thấy giới đầu tư vẫn đang tìm kiếm lợi nhuận từ tài sản sinh lời là cổ phiếu, nên tài sản phòng tráng rủi ro là vàng chưa nhận được sự hỗ trợ của dòng tiền.