Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 11/5: Xuống dốc không ngừng bất chấp lạm phát dâng cao

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng 11/5 trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm mạnh bất chấp nhiều nước ở khu vực châu Âu công bố tỷ lệ lạm phát tăng cao. Giá vàng SJC trong nước giảm mạnh 300.000 đồng/lượng so với phiên trước.

Giá vàng trong nước và quốc tế cùng giảm mạnh. Ảnh minh họa.
Giá vàng trong nước và quốc tế cùng giảm mạnh. Ảnh minh họa.

Sáng nay (11/5), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào lúc 8 giờ (giờ Hà Nội) giao dịch quanh ngưỡng 1.836 USD/ounce, giảm 18 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường Mỹ đứng ở mức hơn 1.838 USD/ounce, giảm mạnh 17 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC trong nước sáng nay chỉ giảm nhẹ so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 69,25 – 6,95 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 69,25 – 6,97 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 750.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 69,2 – 6,9 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 69,2 – 69,9 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54,5 - 55,25 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 54,5 - 55,3 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Hàng loạt nước tại châu Âu vừa công bố tỷ lệ lạm phát tiếp tục dâng cao lên 2 con số sau khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh và cuộc xung đột Nga – Ukraine. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát tháng 4 tại Cộng hòa Séc đã tăng từ mức 12,7% trong tháng 3 lên 14,2%. Tại Hy Lạp tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức 10,2% trong tháng 4. Tại Đan Mạch, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên mức 6,7% trong tháng 4.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tăng nhanh ở nhiều nước là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh và cuộc xung đột Nga – Ukraine, đẩy giá nhiên liệu, lương thực, thịt, sữa, thực phẩm khác tăng mạnh.

Thông thường khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, giá vàng sẽ được hưởng lợi đi lên. Tuy nhiên, giới đầu tư trên thế giới vẫn bán tháo vàng. Nguyên nhân chính là do, việc tăng lãi suất mạnh mẽ đã thúc đẩy lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có khi đã tăng lên gần 3,2%.

Mặc dù, sáng nay lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hạ “nhiệt”, nhưng vẫn giao dịch quanh ngưỡng 3%. Điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng vào nền kinh tế Mỹ vẫn phục hồi tốt, bất chấp tác động của dịch bệnh và căng thẳng tại Ukraine.

Hiện thị trường đang chờ đợi báo cáo việc làm về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) của Mỹ sẽ công bố vào thứ 4 và 5 tuần này.

Chuyên gia nhận định, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc vừa công bố giá trị xuất khẩu trong tháng 4 chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 6/2020 do dịch bệnh Covid-19. Nếu tỷ lệ lạm phát lõi tại Mỹ công bố vào hôm nay tiếp tục tăng mạnh sẽ khiến giá vàng bật tăng trở lại. Do đó, nhà đầu tư nên bình tĩnh trong giao dịch, không nên bán tháo.