Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 11/7: Nhu cầu tăng, vàng vẫn là lựa chọn tốt

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng nay (11/7), trên thị trường thế giới giảm nhẹ so với phiên trước. Thị trường vàng đang chờ đợi báo cáo lạm phát tháng 6 tại Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai 12/7. Dự báo CPI tháng 6 của Mỹ giảm mạnh nhưng Fed vẫn chưa thể ngừng tăng lãi suất.

Vàng nhẫn có nới giảm đến 150.000 đồng so với hôm qua. Ảnh minh họa.
Vàng nhẫn có nới giảm đến 150.000 đồng so với hôm qua. Ảnh minh họa.

Sáng nay, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.925 USD/ounce, giảm nhẹ hơn 1 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.924 USD/ounce, đi ngang so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC tại thị trường tự do sáng nay đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,5 – 67,1 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,5 – 67,12 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giữ giá chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đều đã tăng 50.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,45 – 67,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 66,5 – 67,04 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 490.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã giảm đến 110.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn sáng nay cơ bản đi ngang so với phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết (mua - bán) ở mức 55,68 – 56,58 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 900.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã giảm đến 150.000 đồng/lượng vàng nhẫn 9999.

Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 54,5 – 55,95 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán nới rộng lên 1,45 triệu đồng/lượng.

Ngày 10/7, Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, thấp hơn mức dự kiến 0,2%. Tháng 5 chỉ số này của Trung Quốc chỉ tăng 0,2%. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng CPI khoảng 3% cho năm 2023.

Cùng với đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) - đo lường sự thay đổi giá của hàng hóa và dịch vụ thành phẩm được bán bởi nhà sản xuất trong tháng 6 của Trung Quốc tiếp tục giảm tháng thứ 9, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh hơn mức dự báo trước đó 5%.

Đây là mức giảm thấp nhất kể từ tháng 12/2015.Hai chỉ số kể trên phản ánh nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới vẫn chưa thể phục hồi như mong đợi sau dịch bệnh Covid-19 và có thể đang bị suy yếu khi giảm phát gia tăng.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, nỗi lo ngại về giảm phát đang đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp của Trung Quốc. Lực cầu cả trong và ngoài nước đều giảm mạnh. Trong đó, giá thịt lợn là món ăn yêu thích của người Trung Quốc đã giảm 7,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia nhận định, nếu các doanh nghiệp và người dân tiếp tục giảm chi tiêu thì sẽ đẩy giá hàng hóa giảm thấp hơn hiện tại. Khi giá hàng hóa giảm sâu sẽ khiến nền kinh tế rơi vào giảm phát.

Trong khi đó, ở bên kia bán cầu, Mỹ và châu Âu vẫn đang vật lộn với “cuộc chiến” chống lạm phát. Ngày mai (12/7) Mỹ sẽ công bố chỉ số CPI tháng 6, dự kiến tăng khoảng 3,1%, thấp hơn mức 4% của tháng 5. Châu Âu ngày 19/7 mới công bố chỉ số CPI, khu vực này dự báo chỉ số giá tiêu dùng chỉ đi ngang so với tháng 5, tăng 5,5%.

Một công ty tài chính và chuyên gia nhận định, các biến động trên thị trường tài chính, kinh tế cũng như căng thẳng địa chính trị thời gian qua, và dựa vào chỉ số lạm phát nên các doanh nghiệp đã thận trọng hơn trong đầu tư, mở rộng sản xuất.

Lạm phát của Trung Quốc giảm, có nghĩa niềm tien của người tiêu dùng giảm sụt sẽ khó thúc đẩy sản xuất. Tại Mỹ, nếu chỉ số CPI ngày mai được công bố giảm về mức dự báo thì sẽ giúp cho người dân đẩy mạnh chi tiêu hơn. Từ đó, mới thúc đẩy được sản xuất.

Chuyên gia nhận định, nếu CPI tại Mỹ không giảm về mức kỳ vọng, sẽ khiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa ngừng tăng lãi suất. Dự báo Fed có thể tăng thêm 0,25% lãi suất trong tháng 7 này.Với những số liệu và phân tích kể trên, cho thấy các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này sẽ giúp giá vàng còn nhiều cơ hội để tăng.

Trong 6 tháng qua, khoảng 85 quỹ tài sản của các chính phủ và 57 ngân hàng trung ương đã cho rằng lạm phát trong thập kỷ này sẽ cao hơn so với thập kỷ trước. Theo các định chế tài chính, lạm phát hay giảm phát đều khiến rủi ro tăng cao đối với các nền kinh tế. Đây chính là nguyên nhân giúp giá vàng tiếp tục hưởng lợi. Đây cũng là lý do mà các ngân hàng trung ương đã tăng lượng dự trữ vàng, từ 50% hồi năm 2020 lên 68% vào năm 2023.