Giá vàng hôm nay 13/4: một tuần đầy biến động, vàng miếng tăng trên 6 triệu đồng và không ngừng lập đỉnh mới
Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay 13/4, thị trường thế giới có một tuần đầy biến động, đầu tuần với mức giảm mạnh, giá kim loại quý rơi xuống dưới mức 3.000 USD/ounce. Tuy nhiên, tuyên bố về áp thuế đối ứng của ông Trump đã khiến thị trường cả trong nước và quốc tế cùng dậy “sóng”, giá vàng liên tục lập đỉnh mới.
Nhiều yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng mạnh
Giá vàng thế giới giao ngay, kết tuần đứng quanh ngưỡng trên 3.238 USD/ounce. So với chốt phiên tuần trước đó, giá vàng thế giới đã tăng mạnh tới hơn 201 USD/ounce chỉ trong 1 tuần, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, kể cả thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong 3 phiên cuối tuần, giá vàng thế giới liên tục tăng từ trên 2% đến trên 3% mỗi phiên.
Nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh trong tuần qua là do việc áp thuế đối ứng của ông Trump lên tất cả các hàng hóa toàn cầu kể từ tuần trước. Mặc dù, vào thứ 5 tuần trước ngày 3/4 ông Trump đã cho biết sẵn sàng đàm phán về thuế quan, vàng có 5 phiên giảm mạnh liên tiếp sau đó. Tuy nhiên, 3 phiên cuối tuần này giá vàng lại tăng không ngừng, kể cả sau khi Tổng thống Mỹ đã tuyên bố giảm thuế đối ứng xuống 10% và hoãn thuế đối ứng 90 ngày đối với 75 đối tác đã liên hệ với Mỹ để đàm phán.

Giá vàng SJC và nhẫn tăng mạnh tới trên 6 triệu đồng mỗi lượng
Giá vàng tăng mạnh vào cuối tuần khi Mỹ và Trung Quốc liên tục đáp trả thuế lẫn nhau. Hiện mức thuế cao nhất Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc là 145%, còn Trung Quốc áp lên hàng hóa của Mỹ là 125%. Cả giới phân tích và đầu tư đều tỏ rõ sự lo ngại 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi suy thoái.
Cùng với đó, cuối tuần cả Trung Quốc và Mỹ đều công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 cùng giảm. Cụ thể, chỉ số CPI tháng 3 của Trung Quốc giảm 0,4% so với tháng trước, thấp hơn mức giảm 0,2% của tháng 2 và dự báo trước đó. Chỉ số CPI tháng 3 tính theo năm của Trung Quốc giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo tăng 0,1% nhưng tăng so với mức giảm 0,7% trong tháng 2.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu hơn dự báo giảm 2,3% và mức của tháng 2 là giảm 2,2%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, chỉ số CPI của Trung Quốc giảm xuống mức âm và chỉ số giá sản xuất giảm tháng thứ 30 liên tiếp.
Chỉ số CPI tháng 3 giảm 0,1% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 0,2% của tháng 2 và mức tăng 0,1% dự báo trước đó, đây là tháng giảm lần đầu tiên kể từ 2020 – khi xuất hiện đại dịch Covid-19. CPI tháng 3 so với cùng kỳ năm trước cũng giảm xuống còn tăng 2,4%, thấp hơn so với mức tăng 2,8% của tháng 2.
Chỉ số CPI lõi tháng 3 – sau khi đã trừ giá thực phẩm và năng lượng tăng 0,1%, thấp hơn nhiều mức dự báo tăng 0,3% và mức tăng 0,2% của tháng 2. Chỉ số CPI lõi tháng 3 tính theo năm tăng 2,8%, thấp hơn nhiều mức dự báo tăng 3% và mức tăng 3,1% của tháng 2. Đây là mức tăng CPI theo năm thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Chỉ số PPI tháng 3 của Mỹ giảm 0,4% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 0,2% dự báo và mức tăng 0,1% của tháng 2. Chỉ số PPI tháng 3 tính theo năm giảm về mức tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,2% của tháng 2 và mức 3,3% dự báo trước đó.
Chỉ số PPI lõi tháng 3 – sau khi đã trừ giá thực phẩm và năng lượng cũng giảm 0,1%, thấp hơn nhiều mức dự báo tăng 0,3% và mức tăng 0,1% của tháng 2. Chỉ số PPI lõi tháng 3 tính theo năm tăng 3,3%, thấp hơn nhiều mức dự báo tăng 3,6% và mức tăng 3,5% của tháng 2.
Nền kinh tế Mỹ còn đón nhận thông tin chỉ số tâm lý tiêu dùng tháng 4 được Đại học Michigan công bố giảm mạnh từ 57 điểm xuống còn 50,8 điểm. Chỉ số kỳ vọng tiêu dùng tháng 4 giảm xuống mức 47,2 điểm, thấp hơn mức mở rộng 50 điểm, thấp hơn mức 50,8 điểm dự báo và mức 52,6 điểm của tháng 3.
Tuần qua, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố biên bản cuộc họp tháng 3. Các quan chức Fed đều tỏ rõ sự lo ngại về chính sách thuế quan của Chính phủ Mỹ sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào bất ổn. Fed cũng lo ngại rằng, khó điều hành chính sách khi thuế quan là gia tăng lạm phát, trong khi kinh tế có thể suy yếu. Fed nâng dự báo lạm phát, nhưng hạ dự báo về triển vọng kinh tế của Mỹ. Fed cho biết, cơ quan này có thể chỉ hạ lãi suất them 2 lần trong năm 2025, thay vì 3 lần như dự báo trước đó để đảm bảo kiềm chế lạm phát.
Khi cả chỉ số CPI và PPI đều rơi về mức giảm, các chuyên gia lo ngại kinh tế Mỹ có thể nhanh chóng suy yếu. Thị trường chứng khoán liên tục bị bán tháo, đồng USD sụt giảm mạnh. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp bị cú sốc về tài chính khi các cổ phiếu mất giá sâu. Rủi ro gia tăng trên thị trường, đồng USD rẻ đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn dòng tiền, do đó vàng đã tăng giá mạnh.
Giá vàng trong nước liên tục chinh phục đỉnh mới
Thị trường vàng trong nước phiên ngày 12/4 giá vàng miếng SJC và nhẫn tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 5 liên tiếp. Như vậy trong tuần qua, bất kể giá vàng thế giới có giảm phiên đầu tuần, thì vàng trong nước vẫn tăng.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán ở quanh mức 103 – 106,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng mạnh 1,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán mỗi lượng kéo giãn lên mức 3,5 triệu đồng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại 103 – 106,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng mạnh 1,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán mỗi lượng kéo giãn lên mức 3,5 triệu đồng.
Giá vàng miếng SJC tại Phú Quý đứng quanh mức 102,5 – 106,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), ), tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 900.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán mỗi lượng vàng kéo giãn lên mức 4 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 101,6 – 105,1 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch chiều mua – bán ở mức 3,5 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 101,2 – 104,8 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán tăng lên mức 3,6 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 tại Công ty Phú Quý đứng quanh mức 101,4 – 104,9 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 3,5 triệu đồng.
Giá vàng trong nước tuần qua chỉ có 1 phiên đầu tuần giảm, các phiên còn lại tăng không ngừng, liên tục lập các mốc mới và kéo giãn chênh lệnh giá 2 chiều mua – bán lên tới 4 triệu đồng.
Tính chung, giá vàng SJC trong tuần qua đã tăng đến 6,4 triệu đồng/lượng so với chốt tuần trước. Giá vàng nhẫn tăng đến 4,6 triệu đồng/lượng so với chốt tuần trước đó.
Dự báo của chuyên gia, vào đêm qua (giờ Hà Nội), cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ đã phát đi thông báo của Chính phủ Mỹ rằng, Mỹ sẽ miễn thuế đối ứng với các loại thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng, chip nhớ, các loại máy móc để sản xuất bán dẫn, chất bán dẫn, pin mặt trời.... Điều này sẽ giúp các mặt hàng điện tử tiêu dùng trên sẽ tránh được mức thuế 145% áp dụng riêng với hàng hoá từ Trung Quốc và 10% với các nền kinh tế khác.
Hiện các hãng công nghệ có lượng sản phẩm công nghệ sản xuất lớn tại Trung Quốc, cụ thể như Apple có tới hơn 80% sản phẩm sản xuất tại quốc gia này. Điều này có thể làm giá vàng đảo chiều giảm mạnh. Bởi các cổ phiếu ngành công nghệ, bất động sản công nghiệp bước vào tuần tới có thể tăng mạnh, nhà đầu tư sẽ giảm lượng nắm giữ vàng để chuyển hướng đầu tư. Do đó, nhà đầu tư nên theo dõi kỹ những diễn biến của thị trường để có quyết định kịp thời.

Giá vàng hôm nay 14/3: tăng vọt lên gần ngưỡng 3.000 USD/ounce
Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay 14/3, thị trường thế giới tăng vọt so với phiên trước. Thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC và nhẫn tiếp tục tăng mạnh. Nhẫn vượt ngưỡng 95 triệu đồng/lượng, không ngừng chinh phục mốc đỉnh mới.

Giá vàng hôm nay 21/3: thế giới hạ “nhiệt”, SJC và nhẫn vẫn tăng “nóng”
Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay 21/3, thị trường thế giới đảo chiều giảm so với phiên trước. Thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC và nhẫn vẫn kéo dài chuỗi ngày tăng mạnh.
-1743982441.jpg)
Giá vàng hôm nay 7/4: giảm mạnh ngay đầu phiên
Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay 7/4, thị trường thế giới bước vào tuần mới khi tiếp tục giảm ngay khi mở cửa phiên, nối dài 3 phiên giảm mạnh liên tiếp. Giới đầu tư tiếp tục bán ra, khi trước đó thị trường đã báo điểm quá mua.