Giá vàng hôm nay 14/8: Vàng thế giới chưa ngừng giảm sâu

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng nay (14/8), trên thị trường thế giới tiếp tục giảm so với phiên trước. Thị trường đang chứng kiến dòng vốn chuyển từ vàng sang các tài sản đầu tư khác khiến kim loại quý chưa dứt đà giảm giá.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm. Ảnh minh họa.

Sáng nay, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.910 USD/ounce, giảm hơn 3 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

Giá vàng SJC tại thị trường tự do sáng nay giảm so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,8 – 67,4 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,8 – 67,42 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giữ giá chiều mua và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,8 – 67,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 66,9 – 67,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 560.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn sáng nay đi ngang so với phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết (mua - bán) ở mức 56,18 – 57,03 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 850.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 55,7 – 56,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 1 triệu đồng/lượng.

Vào tuần trước, Mỹ đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và báo cáo việc làm tháng 7. Với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 54 năm qua và chỉ số CPI tiếp tục giảm, nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế Mỹ khả năng sẽ “hạ cánh mềm” như kỳ vọng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Động thái trên khiến thị trường dự báo Fed có thể duy trì lãi suất cao như hiện tại đến hết quý 1/2024, và sau đó giảm dần để hỗ trợ kinh tế phục hồi tốt.

Những thông tin lãi suất có thể chững lại khiến giới đầu tư tiếp tục rút vốn từ vàng để chuyển hướng đầu tư sang tài sản sinh lời là trái phiếu và cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong tuần trước đã tăng liên tục từ 4% lên 4,138%/năm chốt phiên cuối tuần, trong đó, phiên cuối tuần trước đã tăng mạnh 0,26%.

Cùng với thông tin kể trên, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc cũng vừa đưa ra hàng loạt chính sách mới để thúc đẩy kinh tế, như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; chính sách thúc đẩy thương mại, đầu tư. Đặc biệt, 7 tháng đầu năm số lượng xe ô tô xuất khẩu của quốc gia này đã tăng 81% so với cùng kỳ năm trước.

Hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới tăng trưởng trở lại thì vàng ngày càng thiếu đi sự hấp dẫn. Chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi thêm các thông tin kinh tế chắc chắn hơn để quyết định đầu tư hay thoái vốn khỏi vàng.

Hôm nay (14/8) nhiều nền kinh tế lớn sẽ công bố thông tin. Trong đó, Nhật Bản sẽ công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2023; Ấn Độ thông báo về lạm phát tháng 7.