Giá vàng hôm nay 14/8: Vọt cao trên thị trường quốc tế khi chỉ số PPI tăng mạnh

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (14/8), giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, khi Mỹ đưa ra chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 tăng mạnh so với dự báo trước đó và so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn cho diễn biến bất thường.

Vàng thế giới nhiều thông tin hỗ trợ
Chốt phiên giao dịch đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.779 USD/ounce, tăng 1,56%, tương đương tăng hơn 27 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Đầu phiên sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 20 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.779 USD/ounce, tăng hơn 24 USD/ounce so với cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, thị trường vàng thế giới biến động rất mạnh. Ngay phiên đầu tuần, giá vàng thế giới trên thị trường châu Á đã lao dốc mất 76 USD/ounce khi mở cửa phiên, có thời điểm đánh mất mốc 1.700 USD. Mặc dù trong phiên, giá vàng thế giới có thu hẹp biên độ, nhưng vẫn mất đến 22 USD/ounce.
Phiên sau đó, dù giá vàng có tăng nhưng giới đầu tư vẫn thận trong sau cú lao dốc trước đó. Sự chờ đợi và đi lên dè dặt của giá vàng kể cả khi Thượng viện Mỹ thông qua gói đầu tư cơ sở hạ tầng vào ngày thứ Tư 11/8. Phải chờ đến phiên ngày 12/8, khi Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 7 và 7 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ thì vàng mới tăng giá mạnh, bất chấp Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ sớm nâng lãi suất sớm và hạ tỷ trọng mua trái phiếu DN.
 Giá vàng thế giới tăng mạnh phiên cuối tuần. Ảnh minh họa.

2 phiên đầu tuần vàng giảm giá mạnh thì 2 phiên giữa tuần đã hứng khởi đi lên nhờ lo ngại lạm phát gia tăng. Phiên cuối tuần tăng mạnh nhất bởi chỉ số PPI tháng 7 tăng mạnh so với dự báo trước đó và so với cùng kỳ.
Cụ thể, chỉ số giá nhà sản xuất tại Mỹ tăng 7,8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo trước đó là 7,3%, đây là mức tăng mạnh nhất hơn 1 thập kỷ qua.
Giới phân tích cho rằng, PPI là chỉ số giá bán của người sản xuất, phản ánh xu hướng và đo lường mức độ biến động giá bán của các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu trên thị trường sơ cấp. Điều này cho thấy giá bán hàng hóa trong tương lai còn tăng. Giá bán hàng hóa tăng phản ánh 2 điều quan trọng là: Hàng hóa sản xuất và nhập khẩu không đủ cung, hoặc nút thắt trong chuỗi cung ứng đã khiến đẩy giá bán hàng tăng. Khi giá tiêu dùng tăng sẽ đẩy chỉ số lạm phát CPI tăng theo.
Như vậy, chưa cần chờ đến gói hỗ trợ khủng với 4.700 tỷ USD vừa được Thượng viện Mỹ thông qua đẩy vào thị trường, thì nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cho dự báo lạm phát tăng mạnh. Đây chính là nguyên nhân giúp giá vàng thế giới đi lên mạnh mẽ trong phiên vừa qua.
Mặc dù có phiên lao dốc mạnh, nhưng chốt tuần, giá vàng thế giới vẫn tăng 16 USD/ounce so với chốt phiên cuối tuần trước.
Vàng trong nước diễn biến bất thường
Sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường trong nước sau 3 phiên không có biến động, sáng nay đã tăng mạnh trên thị trường tự do so với chốt phiên hôm qua. Tại các DN vẫn đi ngang giá. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,55 – 57,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,55 – 57,27 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 150.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,15 - 57,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán vẫn giữ ở mức 1,45 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,4 - 57,4 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng. So với mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 100.000 đồng/lượng.
Sáng nay, tại Công ty Phú Quý giá vàng nhẫn lại giảm so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 49,8 – 51 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên hôm qua. Chênh lệch mua - bán là 1,2 triệu đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 50 - 52 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá so với phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 2 đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh cả chiều tăng và giảm, nhưng gái vàng trong nước nhiều phiên không có điều chỉnh giá. Khi giá vàng thế giới giảm mạnh đến 76 USD/ounce thì vàng trong nước giảm không đáng kể và vẫn giữ mốc 57 triệu đồng/lượng. Điều này đã kéo giãn khoảng cách chênh lệch giá giữa vàng SJC trong nước với quốc tế có lúc lên gần 9 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng SJC vẫn cao hơn vàng thế giới khoảng 8 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vậy, các đơn vị kinh doanh vàng trong nước còn kéo giã chênh lệch giá giữa chiều mua và bán của vàng SJC và nhẫn lên từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch quá cao thì nhà đầu tư hay người dân sẽ khó mà kinh doanh có lợi nhuận. Ngược lại, lợi nhuận kinh doanh vàng tại thời điểm này đang thuộc và các DN, cơ sở kinh doanh vàng.
Chốt tuần giá vàng SJC trên thị trường tự do tăng 250.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Vàng SJC tại Doji giảm 50.000 đồng/lượng và tại Phú Quý tăng 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.