Lúc 6 giờ 10 phút sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở ngưỡng 2.013 USD/ounce, tăng mạnh hơn 10 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 2.013 USD/ounce, tăng 9 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.
Thị trường vàng trong nước ngày 16/2, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh so với chốt phiên trước đó. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC đứng quanh mức 76,2 – 78,4 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 76,2 – 78,42 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm mạnh 300.000 đồng/lượng chiều mua và 400.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 76,15 – 78,35 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua và 400.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 76,35 – 78,25 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 350.000 đồng/lượng chiều mua và 450.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn lại ngược chiều tăng so với phiên trước. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 64,93 – 66,03 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 64,5 – 65,65 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 300.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,15 triệu đồng/lượng.
Đêm ngày 16/2 (giờ Hà Nội), nền kinh tế Mỹ tiếp tục công bố thêm chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 – đây là giá bán buôn của các doanh nghiệp đã tăng mạnh 1 tăng 0,3% so với tháng 12/2023, cao hơn mức tăng 0,2% của tháng 12 năm trước và cao hơn mức dự đoán tăng 0,1%.
Chỉ số giá PPI lõi (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) tháng 1 đã tăng 0,5%, cao hơn dự đoán tăng 0,1%. Chỉ số PPI tính theo năm tại tháng 1/2024 đã tăng ở mức 2,6%, ngang bằng với mức tăng cùng kỳ năm trước.
Trước đó, ngày 13/2, Mỹ đã công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1 tăng 3,1% so với một năm trước - thấp hơn con số của tháng 12 nhưng vẫn cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của Fed. CPI lõi tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Đây là 2 số liệu sẽ tác động lên quyến định chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sau dữ liệu chỉ số PPI, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ – tài sản mang nhiều rủi ro đã giảm điểm, còn tài sản đảm bảo vốn trong rủi ro là vàng tiếp tục tăng.
Sau 2 số liệu về CPI và PPI, chuyên gia lo ngại rằng thị trường có thể phải đón thêm đợt tăng lãi suất mới. Trước đó, Chủ tịch Fed cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra mốc thời gian hạ lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách tỏ ra thận trọng khi hạ lãi suất khi lạm phát còn ở khá xa mốc mục tiêu. Trong khi đó, kinh tế vẫn tăng trưởng, thị trường việc làm ổn định sẽ giúp Fed dễ dàng điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.
Cả chuyên gia và giới đầu tư lo ngại rằng, khi Fed tăng thêm 1 lần lãi suất nữa sẽ khiến nền kinh tế gặp khó khăn. Trước đó, nền kinh tế Nhật Bản và Anh đã rơi vào suy thoái kỹ thuật, khi có 2 quý tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội giảm liên tiếp.
Những thông tin này khiến giới đầu tư lo ngại rằng, kinh tế toàn cầu năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn khi các nền kinh tế lớn suy yếu, lạm phát gia tăng, lãi suất cao và căng thẳng địa chính trị leo thang ở nhiều nơi. Do đó, vàng là tài sản đảm bảo dòng vốn sẽ còn tăng giá khi nhu cầu gia tăng.