Giá vàng hôm nay 2/1/2023: SJC một năm tăng mạnh hơn 6 triệu đồng

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay 2/1, thị trường vàng vẫn trong thời gian nghỉ Tết Dương lịch. Nhìn lại một năm 2022, giá vàng thế giới dù biến động mạnh nhưng vẫn giảm so với cuối năm trước, còn giá vàng SJC lại tăng mạnh.

Giá vàng thế giới dự báo tăng mạnh

Giá vàng thế giới chốt năm 2022 tại mốc 1.823,95 USD/ounce. So với mở cửa phiên đầu năm vào ngày 3/1/2022, giá vàng thế giới đã giảm hơn 7 USD/ounce.

Năm 2022, một năm biến động mạnh của giá vàng thế giới do xung đột Nga – Ukraine, đẩy thị trường tăng tính rủi ro. Tuy nhiên, cũng do xung đột nên các nền kinh tế ở châu Âu và Mỹ đã đứng trước những khó khăn lạm phát tăng cao.

Lạm phát đã khiến các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất liên tục. Trong đó, vào cuối năm 2021, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra lời cảnh báo rằng lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao và thừa nhận họ hơi chủ quan khi đưa ra các dự dự báo về lạm phát.

Giá vàng thế giới năm 2022 tăng so với năm trước. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới năm 2022 tăng so với năm trước. Ảnh minh họa.

Ngay trong tháng 1/2022, Fed đưa ra quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát đã lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 17% trong tháng 1 vượt ngưỡng 2%, vàng ngược lại đã mất 2%.

Đặc biệt, vào cuối tháng 10/2022, giá vàng thế giới đã giảm xuống dưới ngưỡng 1.650 USD/ounce, mức đáy của năm, khi đó lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã lên trên 4%. Cùng với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh, đồng USD cũng đã tăng lên mức đỉnh 20 năm, có lúc chỉ số Dollar-Index đo sức mạnh của đồng bạc xanh trong rổ 6 đồng tiền lớn trên thế giới tăng lên trên 105.000 điểm hồi quý 2/2022.

Dù quý cuối năm 2022, chỉ số này đã giảm khá mạnh, nhưng vẫn ở mức đỉnh 7 năm. Kết năm, Dollar Index vẫn tăng 7,8% so với cuối năm 2021.

Thông thường rủi ro tăng cao thì giá vàng tăng. Nhưng do lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng mạnh đã khiến giá vàng thế giới thất thế.

Trong 2 tháng cuối năm 2022, do Fed đã có thông tin bắt đầu lộ trình giảm tốc độ tăng lãi suất và có thể dừng tăng vào quý 2/2023, do đó đồng USD và lợi suất trái phiếu hạ “nhiệt” hỗ trợ cho giá vàng đi lên.

Dự báo của chuyên gia, giá vàng trong năm 2023 sẽ tăng mạnh khi Fed ngừng tăng lãi suất đồng USD. Có thể giá vàng thế giới lên trên 2.000 USD/ounce, bởi các nguyên nhân: Rủi ro do xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa chấm dứt.

Do đó các ngân hàng trung ương vẫn tăng lượng dự trữ bằng vàng thay vì đồng USD. Năm 2022, vàng vẫn phát huy vai trò tài sản đảm bảo an toàn dòng vốn trong những thời điểm kinh tế bất ổn. Nhu cầu mua vàng của thế giới lên tới 1.181 tấn trong quý III/2022, tăng 28% so với mức 922 tấn vào cùng kỳ năm 2021.

Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng của thế giới kể từ đầu năm 2022 đã vượt mức nhu cầu trước đại dịch. Trong đó, các ngân hàng trung ương mua tích trữ mạnh như, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Qatar và Ấn Độ với mức mua tăng từ 50% tới 300% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2023, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau đại dịch, cũng sẽ hỗ trợ giá vàng đi lên. Bởi Trung Quốc luôn là quốc gia tiêu dùng mạnh vàng nhất thế giới.

Giá vàng SJC tăng hơn 6 triệu trong năm 2022

Năm 2022, giá vàng SJC có lúc đi theo xu hướng thế giới, nhưng cũng có lúc một mình một chợ. Đầu tháng 3/2022, khi giá vàng thế giới lên ngưỡng 2000 USD/ounce, giá vàng SJC đã lên trên ngưỡng 74 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới hạ “nhiệt” dần thì giá vàng SJC có phiên vẫn đi ngược. Do đó có thời điểm trong tháng 3/2022 giá vàng SJC đã cao hơn vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.

2 tháng cuối năm, khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng thì vàng SJC lại chững giá quanh vùng 66 - 67 triệu đồng/lượng. Kết phiên cuối năm 31/12/2022, giá vàng SJC tại thị trường tự do đứng ở quanh mức 66 – 67 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 6,1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên cuối cùng năm 2021.

Giá vàng SJC tại tập đoàn Doji cũng đứng phiên cuối năm 2022 ở mức 65,65 – 66,65 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 4,85 triệu đồng/lượng so với chốt phiên năm 2021.

Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội đứng phiên cuối năm 2022 ở mức 65,9 – 66,85 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên năm 2021.

Theo đánh giá của Hiệp hội kinh doanh vàng bạc, thời gian qua chỉ có các doanh nghiệp vốn lớn, có kinh nghiệm sản xuất – kinh doanh vàng bạc trên thị trường, trang bị đầu tư máy móc thiết bị hiện đại mới trụ vững trên thị trường.

Nhiều nhà buôn nhỏ, thợ kim hoàn đã phải bỏ nghề. Nguyên nhân chính là từ tháng 5/2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu 9999 nhằm chống nhập siêu, chống lạm phát. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường vàng trong năm 2022 ảm đạm, chủ yếu sôi động dịp đầu năm mới khi có ngày Vía Thần tài.