Giá vàng thế giới giao ngay vào lúc 5 giờ 49 phút sáng nay (giờ Hà Nội), giao dịch ở quanh ngưỡng trên 2.622 USD/ounce, tăng mạnh hơn 35 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng trên 2.622 USD/ounce, lập đỉnh lịch sử mới, tăng mạnh hơn 35 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó tại thị trường này, tương đương tỷ lệ tăng 1,37%.
Đứng phiên giao dịch hôm qua ngày 20/9, tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC đảo chiều tăng mạnh giá so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán ở quanh mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn phiên ngày 20/9 các đơn vị điều chỉnh tăng giá mạnh so với phiên trước. Cụ thể, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 79,28 – 80,38 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,1 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 79,3 – 80,4 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 1,2 triệu đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới bật tăng mạnh, ngoài hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương thì xung đột tại Trung Đông lại bất ngờ “nóng” lên.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 20 đã bất ngờ giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản trong cuộc họp tháng 9. Lãi suất điều hành cơ bản của PboC cho vay một năm giữ nguyên ở mức 3,35% và 5 năm ở mức 3,85%.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 0,25% như dự báo trước đó.
Như vậy, sau việc nới lỏng chính sách lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước đó 1 ngày thì các ngân hàng trung ương lớn khác đều đã giữ mức lãi suất nới lỏng. Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã có những quyết định thực hiện chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Chuyên gia nhận định, việc nới lỏng chính sách tiền tệ cho thấy các nền kinh tế lớn đang gặp những khó khăn nhất định cần được hỗ trợ từ chính sách. Do đó, giới đầu tư đã cho rằng rủi ro vẫn đang tiềm ẩn. Cùng với đó, chính sách nới lỏng tiền tệ đã khiến các đồng tiền rẻ đi và hỗ trợ cho vàng tăng giá.
Cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương, thì căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông lại “nóng” lên, bởi quân đội Israel đã phóng rocket vào miền Nam Lebanon. Theo thông tin từ Thông tấn xã Lebanon (NNA), đợt tấn công này với hơn 52 vụ không kích, phá hủy khoảng 100 bệ phóng rocket cùng nhiều mục tiêu khác ở miền Nam Lebanon.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến giới đầu tư lo ngại rủi ro tăng cao đối với các nền kinh tế trên thế giới. Do đó, việc đẩy mạnh mua vàng là nhằm đảm bảo dòng vốn và gia tăng lợi nhuận.