Giá vàng hôm nay 23/5: Tiếp tục tăng trước hàng loạt tin kinh tế bất lợi

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng nay 23/5, trên thị trường quốc tế và trong nước tiếp tục tăng so với phiên trước, sau khi các tổ chức tài chính lớn dự báo kinh tế kém tăng trưởng ở nhiều quốc gia.

Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng. Ảnh minh họa.

Sáng nay (23/5), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á lúc 8 giờ 30 (giờ Hà Nội) giao dịch quanh ngưỡng 1.852 USD/ounce, tăng 6 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối tuần qua.

Giá vàng SJC trên thị trường sáng nay cũng tăng so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,95 - 69,85 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 68,95 - 69,87 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giữ giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,95 - 69,75 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 69,05 – 69,75 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54,5 - 55,3 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold loại 1 chỉ niêm yết giá mua - bán quanh mức 54,3 - 55,1 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng tiếp tục tăng sau khi nhiều tổ chức tài chính trên thế giới dự báo kinh tế Trung Quốc, Mỹ, Nhật giảm tốc mạnh. Cụ thể, Bloomberg thăm dò dự đoán của các chuyên gia về nền kinh tế Trung Quốc dự kiến chỉ tăng trưởng 2%, thay vì con số chính phủ nước này đặt ra là 5% - 5,5%.

Trong khi đó, tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2022 khả năng đạt 2,8%, dù cao hơn Trung Quốc, nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2021 và thấp hơn mức dự báo trước đó.

Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Mỹ dự báo đạt 3,7% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 0,5% so với dự báo trước.

Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới - cũng vừa công bố Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong quý 1/2022 giảm 0,2% so với quý 4/2021 và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. 3 trong 5 quý gần nhất, GDP của Nhật Bản tăng trưởng âm. Điều này cho thấy nền kinh tế Nhật vẫn chưa thực sự phục hồi ổn định kể từ khi có dịch bệnh Covid-19.

Chuyên gia nhận định, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đồng loạt giảm tốc sẽ khiến cho những khu vực khác ít nhiều bị ảnh hưởng do cung - cầu hàng hóa kém đi. Kinh tế kém phát triển khiến cho giới đầu tư đẩy mạnh mua vàng nhằm bảo toàn vốn và tìm kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh kim loại quý.

Valid: True