Sáng nay (24/3), lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.942 USD/ounce, tăng hơn 24 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trước đó, phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng chốt phiên tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.944 USD/ounce, tăng hơn 24 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Sáng nay 24/3, giá vàng SJC trên thị trường trong nước cũng đảo chiều tăng mạnh so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,35 – 69,05 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 68,35 – 69,07 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng mạnh 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,2 – 69,05 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 450.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 600.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,2 – 69,05 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 350.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,3 – 56,3 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 55,05 – 56,05 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và tăng 30.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Phiên đêm qua và sáng nay (giờ Hà Nội), giá dầu thô Brent và WTI đã tăng 5-6 USD/thùng, lên các mức giá lần lượt là 121,6 USD/thùng và 114,5 USD/thùng.
Nguyên nhân giá dầu tăng là do gián đoạn xuất khẩu dầu thô của Nga và Kazakhstan qua đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC) do một cơn bão làm hư hỏng, khiến thị trường tăng thêm lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu bị thiếu hụt. Hiện nay, mỗi ngày đường ống này cung cấp khoảng 1,2 triệu thùng dầu thô chính của Kazakhstan, tương đương với 1,2% nhu cầu toàn cầu.
Cùng với đó, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 2,5 triệu thùng trong tuần trước, dù các nhà sản xuất tại nước này đã tăng cường hoạt động khai thác dầu nhưng sản lượng đáp ứng vẫn chưa cao.
Giá phân bón trên thị trường thế giới cũng đang tăng mạnh khi Nga và Belarus là những nhà xuất khẩu chính của một số hợp chất bón phân quan trọng, bao gồm urê và kali. Trong khi đó, Nga đã cắt giảm xuất khẩu từ đầu tháng 3/2022 để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới đạt gần 9 tỷ USD/năm. Động thái của Nga đã đẩy giá phân bón bình quân toàn cầu tăng 40% so với tháng trước. Riêng giá phân bón urê toàn cầu đã tăng 60,5% trong vòng 1 năm qua.
Giá phân bón tăng cao, lo ngại thiếu hụt nguồn cung lương thực trên toàn cầu. Giá dầu tăng thị trường lo ngại những tác động kép tiêu cực đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế, kéo theo lạm phát và giá cả tăng cao. Dự báo rủi ro cao đã đẩy giá vàng đi lên mạnh mẽ.