Chốt phiên giao dịch đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.792 USD/ounce, nhích tăng hơn 1 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này. Trong phiên giao dịch đêm qua, đã có lúc giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ rơi về mức 1.788 USD/ounce.
Đầu phiên sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.795 USD/ounce, tăng hơn 6 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường tự do trong nước cũng tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,4 – 57,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,4 – 57,12 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,15 - 57,6 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và niêm yết ngang giá chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,45 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,5 - 57,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, giá vàng nhẫn cũng không có điều chỉnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 50,4 – 51,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,1 triệu đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 50 - 52 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá so với phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 2 đồng/lượng.
Tại Jackson Hole, Wyoming, cuộc họp quan trọng của Fed bắt đầu diễn ra, các quan chức Fed thảo luận cho thấy họ ủng hộ chính sách tiền tệ thắt chặt. Những quan điểm đưa ra tại cuộc họp cho rằng, dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn gần đây và việc làm đã đạt mục tiêu là nguyên nhân khiến Fed thảo luận về việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Mặc dù cũng có những ý kiến đưa ra rằng, dịch bệnh Covid-19 vẫn là mối lo ngại đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ hiện tại quá nới lỏng và cần phải được điều chỉnh.
Báo cáo kinh tế GDP quý II của Mỹ tăng trưởng 6,6%, cao hơn mức dự báo trước đó là 6,5%. Chỉ số PCE và lạm phát giá cả nói chung cao hơn kỳ vọng, PCE chỉ là lõi đo lường sự thay đổi trong giá cả hàng hóa và dịch vụ được người tiêu dùng thu mua đang cho thấy lạm phát tại Mỹ quá nóng.
Những thông tin này đã khiến giới đầu tư tin rằng Fed sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ ngay trong tháng 9 tới. Cuối tuần này Chủ tịch Fed - Jerome Powell mới chính thức phát biểu đưa ra quyết định của Fed, nhưng trong phiên đêm qua giá vàng đã giảm.
Tuy nhiên, một yếu tố hỗ trợ giá vàng ngay trong phiên vừa qua đó là hàng nghìn người đang rời bỏ Afghanistan để vào châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) đã phát đi thông tin sẽ triệu tập Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia thành viên EU vào ngày 31/8 để xem xét tình hình sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul và thời hạn chót để rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan là ngày 31/8. Theo Ủy ban châu Âu (EC), hơn 400 người Afghanistan làm việc cho EU và gia đình của họ đã được lực lượng quân sự của một số quốc gia châu Âu sơ tán và hiện đang được chuyển đến các quốc gia thành viên tiếp nhận.
Chuyên gia cho rằng, dù 400 người được các quốc gia châu Âu tiếp nhận, nhưng còn hàng nghìn người Afghanistan đang muốn rời khỏi đất nước của mình. Họ lo ngại, ngày 31/8 khi Mỹ quân đội về nước sẽ khiến cho tình hình ở đây bất ổn. Sự lo ngại bất ổn địa chính trị đã khiến giới đầu nhanh chóng mua lại vàng, thay vì động thái bán đi trước đó.