Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 8/4: Tăng mạnh khi dự báo kinh tế suy giảm

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng nay 8/4 trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng mạnh khi dự báo kinh tế của Mỹ và Nhật Bản suy giảm. Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị tại Nga và Ukraine vẫn khó giải quyết khi hai bên chưa chấp nhận thỏa thuận hòa bình.

Giá vàng tăng mạnh đầu phiên sáng. Ảnh minh hoạ.
Giá vàng tăng mạnh đầu phiên sáng. Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, sáng nay, giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội) giao dịch quanh ngưỡng 1.936 USD/ounce, nhích tăng 12 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng chốt phiên tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.936 USD/ounce, tăng hơn 11 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC trên thị trường trong nước sáng nay cũng tăng mạnh so với chốt phiên trước. Lúc 8 giờ 35 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,25 – 68,9 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 68,25 – 68,92 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,1 - 68,8 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào, nhưng tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,25 – 68,85 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 650.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54,75 – 55,55 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và tăng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 54,6 – 55,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là thu hẹp còn 900.000 đồng/lượng.

Ngày 7/4, Ukraine đã gửi cho Nga bản dự thảo thỏa thuận hòa bình, nhưng phía Nga cho rằng, văn bản này chứa các yếu tố không chấp nhận được. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, bản dự thảo thỏa thuận do phía Ukraine đưa ra đã đi chệch khỏi các đề xuất mà hai bên đã nhất trí trước đó. Nga sẽ tiếp tục đàm phán đến việc đảm bảo các yêu cầu của mình. Còn phía Ukraine cũng đưa ra quan điểm, các cuộc đàm phán là cần thiết, song sẽ không từ bỏ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Như vậy, cuộc đàm phán Nga và Ukraine vẫn còn ở khá xa một bản thoả thuận hòa bình trong khu vực.

Cùng với đó, mới đây, Deutsche Bank là một ngân hàng lớn trên thế giới đã đưa ra nhận định, lạm phát đang rất nóng ở Mỹ, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đang tăng với tốc độ mạnh mẽ nhất trong 40 năm trở lại đây.

Nguyên nhân một phần bởi chiến tranh Nga – Ukraine đẩy giá hàng hoá và giá năng lượng tăng chóng mặt. Áp lực lạm phát đặt ra cho Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất nhanh và mạnh để đưa lạm phát về tầm kiểm soát.

Việc tăng lãi suất của Fed đã được chuyên gia dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,5% và tăng liên tục 6 lần. Điều này khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào tình trạng suy thoái vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Cùng với đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm 2022 từ 3,3% xuống còn 2,4%, do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trước đó, Nhật Bản đã công bố GDP tăng trưởng âm trong quý 1/2022 do các tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine và Nga. Còn các nước công nghiệp phát triển (G7) đã đưa ra thêm các biện pháp áp đặt vào Nga, như cấm xuất khẩu các mặt hàng vào Nga. Phía Nga cho rằng, Nga đã sẵn sàng đối phó với các lệnh trừng phạt và đã ổn định kinh tế vĩ mô.

Chuyên gia nhận định, các nền kinh tế lớn đang lần lượt cho tín hiệu suy thoái. Giới đầu tư lo ngại, những rủi ro sẽ tăng nhanh trên thị trường khi các lệnh trừng phạt tiếp tục được đưa ra, bởi các chuỗi hàng hóa đứt gãy, kinh tế kém phát triển. Do đó, vàng vẫn tiếp tục được nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào.