Giá vàng hôm nay: Loạt tin điều hành lãi suất, giới đầu tư chờ thoát hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tuần này, khắp nơi trên thế giới bàn về tài chính ngân hàng, giá vàng chờ lực đẩy mới.

Vàng trụ vững trên đỉnh cao

Giá vàng biến động trái chiều trong cuối ngày thứ Hai (20/3), nhưng neo quanh mức cao nhất một năm  nhờ lo ngại về ngành ngân hàng thế giới gia tăng, bất chấp nỗ lực giải cứu của UBS nhằm mua lại ngân hàng Credit Suisse để ổn định thị trường tài chính.

Nhiều thông tin trên thị trường quốc tế đang hỗ trợ cho kim loại quý tăng giá. Ảnh minh hoạ
Nhiều thông tin trên thị trường quốc tế đang hỗ trợ cho kim loại quý tăng giá. Ảnh minh hoạ

Giá vàng đã tăng 10%, tương đương khoảng 180 USD, do nhu cầu trú ẩn an toàn sau những ngày biến động mạnh do khủng hoảng niềm tin trong hệ thống ngân hàng ở Mỹ và Thuỵ Sỹ. Trong diễn biến mới nhất, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) và cơ quan giám sát tài chính nước này FINMA đã thúc đẩy để UBS mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thuỵ Sỹ, tương đương 3,2 tỷ USD. Thương vụ sáp nhập giữa hai nhà băng lớn nhất Thuỵ Sỹ là được xem là một nỗ lực để ngăn khủng hoảng tài chính bùng lên ở châu Âu.

Trước đó, vào cuối tuần, 11 ngân hàng lớn của Mỹ nhất trí bơm 30 tỷ USD tiền gửi vào First Republic Bank, một ngân hàng đang lung lay sau ba vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ liên tiếp mới đây.

Trong tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu phải giải quyết những vấn đề phát sinh tại cuộc họp kéo dài hai ngày (21 và 22/3); Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) sẽ họp vào thứ Năm (23/3), dự kiến tập trung vào 2 nội dung chính: Giữ vững danh tiếng của Thụy Sỹ như một trung tâm tài chính an toàn, và tiếp tục chống lạm phát.

Ngân hàng Anh có thể sắp kết thúc chiến dịch tăng lãi suất kéo dài 17 tháng để chống lạm phát. Các thương nhân đặt cược 60% khả năng ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ nâng lãi suất thêm một 1/4 điểm lên 4,5% và 40% khả năng họ sẽ giữ lãi suất vào ngày 23/3.

Một số ngân hàng quốc tế đang gặp khó khăn trong thời điểm hiện tại xảy ra trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt nhưng chưa về mức mục tiêu đang khiến các ngân hàng trung ương phải cân nhắc cẩn trọng những bước đi tiếp theo để vừa tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, vừa giảm thiểu tác động đến nền kinh tế.

Từ nay đến cuối năm, nhiều thông tin trên thị trường quốc tế đang hỗ trợ cho kim loại quý tăng giá. Cuộc khủng hoảng tại một số ngân hàng có lây lan thành cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008 hay không vẫn là một câu hỏi, nhưng tâm lý nhà đầu tư khó có thể ổn định nếu chưa có giải pháp ổn thỏa. Thêm vào đó, bắt đầu cuối năm nay, danh sách ứng cử viên vào vị trí Tổng thống Mỹ xuất hiện để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm 2024. “Những thông tin quanh việc bầu cử, đặc biệt liên quan đến chính sách tiền tệ sẽ là kịch tính cho giá vàng. Điều này đã từng xảy ra vào năm 2020, khi đó vàng tăng lên đỉnh 2.063 USD/ounce", - ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ nhấn mạnh.

Chờ giá lên để thoát lỗ

Năm 2022, tốc độ tăng giá của vàng chỉ 7%, so với lãi suất ngân hàng từ 9 - 11%/năm nên kênh đầu tư này bị tụt hạng. Nhưng sang năm 2023, cục diện đang thay đổi. Chỉ trong tuần qua, lãi suất tiết kiệm bắt đầu giảm trong khi giá vàng tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng.

Chỉ trong vòng 10 ngày qua, giá vàng thế giới đã tăng đến 180 USD/ounce, tương đương mức 5,15 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên giá vàng trong nước tăng chậm hơn do không có lực mua. Dù giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng giá vàng trong nước vẫn chỉ ở ngưỡng 67 triệu đồng, bằng với mức giá ngày Thần Tài đầu năm (67,7 triệu bán ra). Nhìn rộng ra nhà đầu tư vẫn chưa có lãi nếu mua từ đầu năm.

Giá vàng thế giới hiện quay trở lại mức 1.990 USD/ounce của cách đây 1 năm, thời điểm đó vàng miếng SJC tăng lên kỷ lục 74,4 triệu đồng/lượng. Thế nhưng vàng SJC hiện nay vẫn cách giá kỷ lục lúc đó là 7 triệu đồng, có nghĩa nhà đầu tư mua vàng thời điểm đó đến nay chưa gỡ lại được.

Từ chỗ chênh giá vàng thế giới 15 - 16 triệu đồng/lượng, đến nay giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 10,5 triệu đồng/lượng.

Chị Hoa ở Hà Nội cho biết, chị vẫn giữ vàng từ thời điểm giá trên 70 triệu/lượng, chị mong từng ngày giá lên trên 70 triệu để đẩy hàng ra thoát lỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cho rằng: "Không nên mua vàng miếng SJC thời điểm này. Nếu muốn sở hữu vàng, có thể chọn nữ trang, nhẫn". Theo phân tích của ông Trọng, giá vàng thế giới thời gian qua tăng đột biến và có thể sẽ vượt mức 2.000 USD/ounce trong tuần tới. Một số dự báo của các tổ chức kỳ vọng giá vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce nhưng cần thêm thời gian. Mặc dù kim loại quý quốc tế tuần qua tăng nhưng giá vàng trong nước lại ít biến động, có thời điểm còn giảm ngược chiều thế giới do nhu cầu vàng trong nước giảm mạnh.