Theo nhận định của một số chuyên gia, giá vàng thế giới đã tăng gần 90 USD/ounce kể từ thời điểm đầu tuần, và đang trong trạng thái quá mua. Do đó, khi giá vàng thế giới vượt qua mốc 2.030 USD đã điều chỉnh giảm do áp lực chốt lời.
Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều lý do để lạc quan về vàng trong dài hạn. Kim loại quý này đang được hỗ trợ mạnh mẽ bởi khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, suy thoái kinh tế sắp xảy ra, lạm phát cao liên tục và có thể thêm sự sụp đổ của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Dù giá vàng giao ngay giảm về ngưỡng 2.020 USD/ounce nhưng giá vàng giao tương lai vẫn đứng ở mức 2.036,35 USD/ounce.
Theo các chuyên gia, trong ngày 6/4, khả năng giá vàng tiếp tục dao động trong biên độ 2009.88 - 2032.09 USD/ounce. Tức là nếu vàng vượt qua ngưỡng 2.030 USD sẽ tiến đến ngưỡng tiếp theo 2.032 USD, bằng không, nếu giá vàng xuống dưới ngưỡng cản 2.020 USD sẽ giảm về 2.009 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, cuối phiên giao dịch ngày 5/4, giá vàng SJC quay đầu giảm trong khoảng 50.000 - 150.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng.
Trước đó, trong ngày, giá vàng SJC niêm yết mua vào 66,7 triệu đồng/lượng và bán ra 67,3 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giữa mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá bán vàng nhẫn 9999 SJC tăng nhanh hơn so với giá bán vàng miếng SJC do bám sát diễn biến giá vàng thế giới, nhưng vẫn thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi đến 1 triệu đồng/lượng. Trước đà tăng mạnh của giá vàng trong nước và thế giới, nhiều người mua tại Hà Nội bắt đầu chốt lời.