Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng ngày 11/3: Bật tăng trở lại khi Nga-Ukraine kết thúc đàm phán

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (11/3), giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh khi Nga-Ukraine kết thúc đàm phán mà không đạt được kết quả nào. Cùng với đó, Nga cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng để ổn định kinh tế.

Giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Sáng nay (11/3), lúc 8 giờ (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.998 USD/ounce, tăng hơn 24 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và giảm gần 18 USD so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.

Trước đó, chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng chốt phiên tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.997 USD/ounce, tăng hơn 5 USD so với chốt phiên trước đó.

Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước cũng bật tăng theo xu hướng thế giới. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 67,9 – 69,7 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 67,9 – 69,7 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, các thị trường trên đã tăng mạnh 2,1 triệu đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán ra. Chênh lệch mua - bán là 1,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 67,3 – 69,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào, nhưng giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã tăng đến 1,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 2,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 67,4 – 69,6 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào, nhưng tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã tăng đến 1,5 triệu đồng/lượng cả chiều mua và bán. Chênh lệch mua - bán là 2,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,6 - 57 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã tăng đến 500.000 đồng/lượng vàng nhẫn. Chênh lệch mua - bán là 1,4 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 55,6 - 57 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã giảm đến 800.000 đồng/lượng cả chiều mua và bán. Chênh lệch mua - bán là 1,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đảo chiều tăng là do vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine kết thúc đêm qua (giờ Hà Nội) đã không đạt được kết quả nào. Đây là vòng đàm phán cấp ngoại trưởng cao nhất kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2.

Sau buổi thảo luận, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, không có bước tiến trong thiết lập lệnh ngừng bắn, bởi ông Sergei Lavrov đồng cấp người Nga không có đủ thẩm quyền được giao để thảo luận về vấn đề này. Ông Kubela cũng khẳng định Ukraine sẽ không đầu hàng.

Ngoại trưởng Nga Lavrov bảo lưu quan điểm Moskva không có kế hoạch tấn công nước nào, mà chính Ukraine là bên tạo ra mối đe dọa đối với Nga. Ukraine cần là một nước trung lập. Moskva ủng hộ bất kỳ cuộc tiếp xúc nào để giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Kết quả tích cực nhất cho tới thời điểm này là 2 bên đồng thuận thiết lập hành lang nhân đạo tại một số thành phố ở Ukraine.

Một nguyên nhân nữa khiến giá vàng tăng là do Nga thông báo tạm ngừng xuất khẩu hơn 200 sản phẩm và thiết bị ra nước ngoài đến cuối năm 2022. Danh sách các mặt hàng ngừng xuất khẩu bao gồm các thiết bị công nghệ, liên lạc, y tế, các phương tiện, máy móc nông nghiệp, thiết bị điện, toa xe lửa, container, tuabin, gỗ và các hàng hóa khác…

Một số loại gỗ cấm xuất khẩu tới các nước “có hành động không thân thiện” với Moskva, bao gồm 48 quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ khi đã có những biện pháp trừng phạt Nga.

Thị trường dấy lên lo ngại rằng: Nga ngừng xuất khẩu các mặt hàng kể trên sẽ khiến các nền kinh tế, nhất là lục địa già châu Âu đã bị tổn thương do dịch bệnh, giá xăng dầu tăng, nay còn đối mặt với thiếu hụt hàng hóa nhất là nguyên liệu đầu vào của sản xuất sẽ khiến các nền kinh tế tiếp tục lâm vào khó khăn.

Căng thẳng leo thang tại Ukraine chưa có hồi kết, kéo theo kinh tế có thể suy giảm mạnh, do đó giới đầu tư đã đẩy mạnh mua vàng nhằm phòng ngừa rủi ro.