Giá vàng tăng dữ dội, dự báo sốc lên 3.000 USD
Trong ngày 22/11, giá vàng thế giới tăng lên ở mức 2.001 USD/ounce. Có thời điểm trong phiên, giá vàng giao ngay đạt 2.008,5 USD/ounce. Giá vàng tăng cao nhất trong 3 tuần trở lại đây.
Nguyên nhân giá vàng tăng sốc có nhiều yếu tố kinh tế, chính trị hỗ trợ. Mỹ đang lo ngại Iran có khả năng cung cấp tên lửa đạn đạo phục vụ chiến sự ở Ukraine. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới bất ngờ tăng mạnh do dữ liệu lạm phát mới đây khá tích cực và đồng USD suy yếu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với tháng 9 (3,7%) và thấp hơn mức dự báo 3,3%. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 trở lại đây.
Dữ liệu kinh tế Mỹ yếu củng cố niềm tin của nhà đầu tư kịch bản lãi suất đạt đỉnh và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Trong biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 11, giới chức Fed nhất trí rằng, việc tăng lãi suất thêm sẽ chỉ cần thiết nếu tiến trình giảm lạm phát trong thời gian tới chậm lại... Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm về 103,3 điểm, thấp nhất kể từ cuối tháng 8...
Theo các chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng thế giới đang bước vào thời kỳ tăng giá. Trước đó, theo một khảo sát của Kitco, số lượng chuyên gia dự báo giá vàng tăng là nhiều hơn so với số người dự báo giảm.
Một số quỹ vàng cũng nhận định, trong tương lai, với căng thẳng địa chính trị gia tăng và dự báo về việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng mạnh mẽ, nhu cầu vàng có thể vượt trên mong đợi. Về dài hạn, giá vàng được dự báo sẽ tăng trở lại lên mức 2.000 USD/ounce. Một số dự báo thậm chí còn tin vàng sẽ bứt phá lên 3.000 USD/ounce trong năm 2024.
Theo trang MarketWatch, giá vàng còn đang được hỗ trợ nhu cầu mua của các ngân hàng trung ương và sự gia tăng nhu cầu vàng vật chất ở khu vực châu Á trong dịp cuối năm. “Trong tháng 10, Ấn Độ đã nhập khẩu nhiều vàng hơn so với dự báo. Thống kê cho thấy, lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 10 đã đạt mức cao nhất trong 31 tháng qua” - Giám đốc Peter Spina của Goldseek.com phát biểu.
“Kết hợp với việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm gần đây, hy vọng Fed “xoay trục” và sự giảm giá của đồng USD, vàng đang ở vào một vị thế thuận lợi vượt xa mốc 2.000 USD/ounce và có khả năng thiết lập kỷ lục mới” - Giám đốc Peter Spina nhận định. Đồng thời ông cho biết, một khi các nhà đầu tư phương Tây cũng gia tăng mua, giá vàng có thể bứt phá lên 2.500 USD/ounce, thậm chí là 3.000 USD/ounce.
Giá vàng SJC vượt 72 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn trở nên đắt đỏ
Sau khi giá vàng vượt ngưỡng 2.000 USD một ounce trên thị trường quốc tế, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng 71,3 - 73 triệu đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng miếng lên 71,4 - 72,2 triệu đồng/lượng. So với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng 5 triệu đồng, tương đương mức tăng hơn 7% và là mức cao nhất một năm rưỡi qua. Còn so với đỉnh cũ hơn 74,4 triệu đồng thiết lập vào tháng 3 năm ngoái, mỗi lượng vàng miếng hiện còn kém 2 - 2,5 triệu đồng.
Năm 2022, khi giá vàng thế giới tăng trên 2.000 USD/ounce, vàng SJC lập tức tăng lên mốc 74 triệu đồng/lượng, trong khi hiện giá là 72 triệu đồng. Vì thế giới đầu tư cho rằng, giá vàng trong nước sẽ tăng theo thế giới và sớm lấy lại đỉnh 74 triệu đồng.
Như vậy, sau khi giảm mạnh xuống còn 68 triệu đồng/lượng vào những ngày đầu tháng 11, giá vàng miếng SJC liên tục duy trì ở mức cao trên 70 triệu đồng/lượng trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, với vàng nhẫn 9999, mức giá cũng ở mức kỷ lục từ trước đến nay. Đáng chú ý, giá vàng nhẫn tăng nhanh hơn vàng miếng. Thời điểm năm 2022, khi giá vàng SJC 74 triệu đồng, trong khi đó vàng nhẫn chỉ quanh mốc 53 triệu đồng/lượng.
Thế nhưng, thời điểm này, giá vàng SJC chỉ quanh mốc 71 triệu đồng/lượng nhưng vàng nhẫn vọt lên trên 61 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất của vàng nhẫn từ trước đến nay. So với đầu năm, vàng nhẫn đã tăng 6,5 triệu đồng/lượng, tương ứng mức lên giá 12%. Trong khi giá vàng miếng SJC chỉ tăng 4,2 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 6,2%.
Cầu vàng thế giới tăng do người dân mua sắm trong dịp cận lễ, Tết cuối năm... cũng sẽ tác động lên giá mặt hàng kim loại quý này, nhất là trong quý IV/2023. Thường giá vàng trong tháng 11 và đầu tháng 12 cao hơn các tháng khác trong năm.
Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam - Huỳnh Trung Khánh
Mặc dù tăng giá mạnh nhưng vàng nhẫn vẫn kém vàng miếng SJC 10 triệu đồng/lượng nên khả năng vàng nhẫn tiếp tục có những kỷ lục mới. Một số tiệm vàng cho biết nhu cầu vàng nhẫn và trang sức gần đây đã nhích lên dù giá vàng tăng. Lý do là đã vào cao điểm mùa cưới.
Giám đốc Công ty Vàng bạc Đối tác mới Nguyễn Ngọc Trọng đánh giá, nhu cầu vàng nhẫn tăng cộng thêm nguồn nguyên liệu trên thị trường khan hiếm nên giá cao so với trước. So với vàng miếng, vàng nhẫn thời gian qua có những biến động tương đồng và bám sát giá thế giới hơn. Trong khi giá vàng quốc tế khá vững chắc nên khiến giá vàng nhẫn lên cao.
Có nên lướt sóng vàng?
Đại diện Công ty SJC cho biết, ngoài mua vàng trang sức do mùa cưới, mãi lực vàng miếng SJC hiện nay không cao. Tuy nhiên, giá vàng thế giới dự báo sẽ tăng trong thời gian tới khiến người có vàng không bán ra, nguồn cung trên thị trường không được dồi dào. Giá vàng vì thế duy trì ở mức cao.
Ngoài ra cách đây gần 2 tuần, nhiều người mang vàng ra bán trước những lo lắng về Thông tư 12/2023 của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng sau khi được giải tỏa hiểu nhầm là tạm ngưng giao dịch vàng vào cuối tháng 11. “Hiện nay lãi suất ngân hàng xuống thấp, đầu tư chứng khoán thì hên xui, bất động sản thì ảm đạm nên tôi cũng định dành tiền nhàn rỗi mua vàng” - chị Nguyễn Thị Hoa ở Nam Từ Liêm cho biết.
Trong tất cả thị trường đầu tư hiện tại, đúng là không kênh nào tăng giá nhanh bằng vàng. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng bởi thực tế cho thấy, lạm phát giảm nhưng vẫn ở xa mức mục tiêu 2%. Trước đó, Chủ tịch Fed đã đưa ra thông điệp, cơ quan này sẽ làm mọi cách để giảm lạm phát về mức mục tiêu. Do đó, giá vàng có thể vẫn chịu áp lực Fed tăng lãi suất thêm 1 lần nữa.
Thị trường vàng luôn "nhảy múa", lên xuống giá thất thường,
thứ nhất, người dân cần tìm hiểu kỹ càng các kiến thức về lĩnh vực này trước khi muốn tham gia đầu tư. Thứ hai, đầu tư tiền nhàn rỗi dựa vào khả năng tài chính của mình, không nên vay mượn bạn bè, người thân vì không thể lường trước được điều gì; bổ sung kiến thức chuyên môn về lĩnh vực mình đầu tư để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương
Ngoài ra khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đang rất lớn, gần 13 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch này, đầu tư vàng sẽ rủi ro cao và người mua có thể thua lỗ nếu đầu tư ngắn hạn.
“Dự báo chỉ là dự báo. Để có thể đạt tới mốc 3.000 USD trong thời gian ngắn là rất khó. Trước đó, khoảng năm 2011, giá vàng thế giới đã lập đỉnh mọi thời đại ở mức 1.910 USD/ounce nhưng sau đó giảm về 1.700 USD/ounce… Đến nay, sau hơn 10 năm, giá vàng thế giới cũng chỉ dao động quanh vùng 1.900 - 2.000 USD/ounce”- chuyên gia vàng Trần Duy Phương chia sẻ.