Chiều 21/11, giá vàng trên thị trường châu Á giảm trước tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, kể cả khi đảng đối lập tại Tây Ban Nha giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội mới đây, mở đường cho việc thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng," nhằm giải quyết tình trạng nợ công và thâm thủng ngân sách của "xứ sở đấu bò tót." Vào lúc 7 giờ 21 phút giờ GMT (14 giờ 21 phút giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại Singapore giảm 0,3% xuống 1.721,04 USD/ounce, sau khi đã giảm hơn 3% trong tuần trước, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2011 vào cuối tuần trước. Trong khi giá vàng giao dịch kỳ hạn giảm 0,2% xuống 1.722,50 USD/ounce, sau khi có thời điểm rơi xuống mức thấp 1.713,2 USD/ounce. Ngày 20/11, trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Tây Ban Nha, Đảng Nhân dân của nhà lãnh đạo phe đối lập Mariano Rajoy đã giành được 44,57% phiếu ủng hộ, trong khi Đảng Xã hội cầm quyền phải hứng chịu thất bại nặng nề nhất trong lịch sử khi chỉ giành được 28,67% số phiếu bầu. Sự kiện này đã giúp chấm dứt 7 năm cầm quyền của Đảng Xã hội với một nền kinh phá sản và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 21,5%. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói: "Tôi hoàn toàn tin tưởng chính phủ mới của Tây Ban Nha có khả năng vượt qua tình hình kinh tế hiện nay bằng việc tiếp tục chương trình cải cách cần thiết để tăng tưởng kinh tế và tạo việc làm." Theo giới phân tích, giá vàng đang chuyển động cùng chiều với các tài sản rủi ro và kim loại quý này vẫn đang trong vùng nguy hiểm, trước sức ép bán tháo trên các thị trường khác, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư bán ra kim loại quý này để bù đắp thua lỗ. Ong Yi Ling, nhà phân tích thuộc hãng Phillip Futures, nhận định cuộc khủng hoảng nợ tại "lục địa già" vẫn đang là nhân tố chi phối tâm lý trên thị trường, song nhà phân tích này nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' của cuộc khủng hoảng này." Bên cạnh đó, giá vàng còn chịu tác động bởi sự bế tắc trong việc đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ của Mỹ. Ngày 16/11, nợ của Chính phủ Mỹ đã vượt ngưỡng 15.000 tỷ USD, sắp kịch trần mức được Quốc hội phê chuẩn hồi tháng 8/2011, trong khi các nghị sỹ vẫn tiếp tục tranh luận về giải pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách. Cho dù hạn chót để đạt được một thỏa thuận vào ngày 23/11 đang tới gần, nhưng các nghị sỹ của hai đảng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Nếu hai bên vẫn không đạt được sự nhất trí, việc cắt giảm chi tiêu 1.200 tỷ USD trong 10 năm tới như mục tiêu đề ra sẽ tự động được tiến hành đối với các cơ quan của chính phủ kể từ năm 2013. Nợ công của Mỹ tiếp tục tăng kể từ ngày 2/8, khi Quốc hội nước này đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ từ 14.300 tỷ USD lên 15.194 tỷ USD. Về triển vọng của giá vàng, nhà phân tích Ong dự đoán giá vàng có thể rơi xuống mức 1.600 USD/ounce. Một nhà giao dịch tại Singapore cho rằng mức giá dưới 1.700 USD/ounce mới có thể khuyến khích đà mua vào. Quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 3,631 tấn lên 1.293,088 tấn, mức cao nhất trong hơn 3 tháng. Đối với một số kim loại quý khác, giá bạc giao ngay dẫn đầu đà đi xuống với mức giảm tới 1,6% xuống 31,86 USD/ounce, trước khi phục hồi ở mức 32,04 USD/ounce. Trong 10 tháng đầu năm nay, lượng bạc nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 28%, trong đó riêng tháng 10/2011, giảm 26%. Còn giá bạch kim giao ngay giảm 0,48% xuống 1.580,24 USD/ounce./.