Khan hiếm nguồn cung
Giá vàng thế giới kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (27/2) giảm 35 USD/ounce (tương đương giảm hơn 800.000 đồng/lượng), đứng ở mức 1.735,6 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 48,4 triệu đồng/lượng. Đây là phiên lao dốc thứ ba liên tục của giá vàng thế giới trong tuần với mức giảm tổng cộng cả tuần là 100 USD/ounce, tương đương 2,7 triệu đồng/lượng.Tuy nhiên, bất chấp giá vàng thế giới liên tục lao dốc và sức mua thấp, giá vàng trong nước sáng thứ Bảy 27/2, chỉ giảm 100.000 - 200.000 đồng/lượng. Tính cả tuần, giá vàng miếng SJC giảm khoảng 300.000 đồng/lượng, neo ở mức 56,15 triệu đồng/lượng bán ra. Do giảm cầm chừng, giá vàng miếng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới gần 8 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh cao nhất trong nhiều năm qua.Theo nhận xét của các chuyên gia, việc giá vàng trong nước liên tục cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 6 - 7 triệu đồng/lượng suốt thời gian dài và độ chênh ngày cao, lên tới 8 triệu là quá bất thường. Nhất là thời điểm này đã qua ngày Thần tài - thời điểm mà người dân mua vàng nhiều nhất năm. Vì sao có sự chênh lệch quá lớn này? Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ) Tô Thanh Hiệp nhận định, do giá vàng thế giới rớt quá mạnh trong thời gian ngắn và nguồn cung trong nước lại hạn chế nên giá vàng SJC có sự cách biệt lớn với thế giới.Thực tế, từ khi có Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng (từ năm 2012 đến nay), gần như không có DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Nguồn vàng nguyên liệu chủ yếu đến từ việc mua đi bán lại trên thị trường. Hiện không chỉ vàng miếng mà vàng nữ trang 9999 cũng chênh cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5,5 triệu đồng/lượng. Do đó, các DN kiến nghị NHNN sớm xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng có văn bản kiến nghị NHNN nới lỏng hơn về chính sách quản lý vàng nguyên liệu để các DN có thể nhập về sản xuất vàng trang sức, thúc đẩy thị trường này phát triển. Đặc biệt, Hiệp hội này cũng kiến nghị cho phép thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.Liệu DN có thao túng giá?Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico, hiện nay không có quy định nào liên quan tới chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hay chênh lệch giá mua - bán vàng. "Vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thuộc mặt hàng cần bình ổn giá. Việc vàng tăng giá gấp 3 hay xuống 1 nửa, chênh lệch ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường" - ông Đức nói. Theo ông Đức, thị trường vàng trong nước và thế giới về bản chất là không liên thông với nhau, luôn có độ trễ nhất định. Một số DN kinh doanh vàng trong nước có quyền đẩy giá lên. Khi giá thế giới xuống, giá trong nước giảm nhỏ giọt. Còn khi giá thế giới lên, vàng trong nước cũng liên tục tăng theo, thậm chí còn tăng mạnh hơn giá vàng quốc tế. Đấy chính là rủi ro cho người mua vàng. Song song đó, khoảng cách giữa giá mua – bán còn bị kéo rất xa nhằm bảo đảm an toàn cho các DN kinh doanh vàng. Do vậy, không ngạc nhiên khi có lúc giá vàng trong nước chênh lệch 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Chính chênh lệch giá mua - bán quá cao khiến người mua vàng khó có lời. Đánh giá về thị trường vàng hiện tại, chuyên gia Trần Thanh Hải khuyến cáo đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư với số lượng lớn. Nguyên nhân do người dân đang phải trả giá quá đắt để sở hữu cùng khối lượng vàng như giá thế giới.
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/12/2020 khi trả lời báo giới về kiến nghị của VGTA, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay: "Quan điểm của NHNN là kiên định với chính sách quản lý vàng đang có”. Ông Tú lý giải, trong 8 năm qua, khi Nghị định 24 đi vào đời sống thì lợi ích đem lại ở cả trên vi mô và vĩ mô. Cụ thể, ở vi mô, giá vàng không còn nhảy múa, không ảnh hưởng đến giá hàng hóa và tỷ giá. Khi giá hàng hóa và tỷ giá không biến động quá mạnh sẽ tạo điều kiện phát triển ổn định cho kinh tế vĩ mô. |
Một chuyên gia tài chính cho rằng, trước mắt NHNN nên xem xét tăng thêm nguồn cung vàng miếng SJC, đồng thời cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số DN đủ điều kiện theo quy định hiện hành để góp phần kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng quốc tế. Nếu chênh lệch giá vàng nội và ngoại quá lớn và kéo dài, sẽ dẫn tới nguy cơ nhập khẩu lậu vàng, gây "chảy máu" ngoại tệ. |