Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng trong nước sẽ sát với giá thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là khẳng định của ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại lễ ký hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và SJC chiều 26/2.

Nhân dịp này, ông Dũng đã trao đổi với báo chí một số vấn đề về sự tham gia của NHNN vào thị trường vàng hiện nay.

Giá vàng trong nước sẽ sát với giá thế giới - Ảnh 1
Mua bán vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Minh Châu.Ảnh: Trần Việt

Sẽ không thiếu vàng

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước ngày càng cao hơn so với giá thế giới? Liệu sau cuộc ký kết này, khoảng cách giữa giá vàng nội và vàng ngoại có được kéo gần không, thưa ông?

- Tôi bảo đảm, trong vòng 1 tuần lễ sau cuộc ký kết này, giá vàng trong nước sẽ sát với giá vàng thế giới. Vì trước đây nguồn cung có thời điểm bị gián đoạn do nhập siêu, chống lạm phát... Nhưng nay, khi có nguồn cung, đặc biệt là nguồn nguyên liệu từ NHNN mà SJC là đơn vị gia công, giá vàng trong nước chắc chắn sẽ gần với giá thế giới.

Theo hợp đồng nguyên tắc giữa NHNN và SJC, để đảm bảo khả năng can thiệp thị trường, NHNN thực hiện sản xuất vàng miếng SJC từ nguồn vàng nguyên liệu thông qua yêu cầu Công ty SJC. Hoạt động gia công được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ giám sát của NHNN từ khâu quản lý khuôn sản xuất, giao nhận vàng nguyên liệu, quá trình gia công và bàn giao sản phẩm, Công ty SJC phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, quy cách sản phẩm vàng miếng.
Trước đây, lãnh đạo SJC đã từng nói rằng, việc gia công các loại vàng phi SJC rất chậm vì máy móc không đủ công suất. Liệu, thời gian tới tình trạng thiếu vàng đưa ra thị trường vì không kịp gia công có lặp lại không?

- Trước đây, công suất gia công của SJC chỉ ở mức thấp, nhưng sau khi mở thêm xưởng sản xuất Tân Thuận, đầu tư nguồn máy móc thiết bị, tiến độ gia công đã tăng lên. Công suất của xưởng sản xuất này hiện là 80.000 lượng/ngày, tương đương hơn 3 tấn vàng/ngày. Nếu dập đúng công suất thì trong vòng 10 ngày sẽ có 30 tấn vàng SJC được tung ra thị trường.

Đa số các thương hiệu khác đều nhờ SJC gia công

Nhiều ý kiến nghi ngờ rằng, có thể SJC "vận động hành lang" để được gia công vàng cho NHNN. Và SJC được lợi trong "thương vụ" này? Ông có ý kiến gì về điều này?

- Quan điểm NHNN là không cấm các thương hiệu khác lưu hành. Tôi khẳng định, không có chuyện SJC "vận động hành lang" để được gia công. Còn vì sao NHNN chọn SJC? Trước khi chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia, NHNN đã thành lập một đoàn kiểm tra. Tôi không bình luận về thương hiệu vàng của các DN khác nhưng có một thực tế là trước đây, hầu như các DN đều cho biết là không sản xuất gì cả mà chủ yếu là nhờ SJC gia công.

Cũng có một thực tế khác là việc bán vàng các thương hiệu khác ra với số lượng lớn là rất khó. Vì thế, nhiều DN đã chọn thuê SJC gia công, vàng đủ lượng, đủ chất, thêm 30.000 - 40.000 đồng tiền gia công lại bán rất chạy, rất dễ.

Ông kỳ vọng gì về việc NHNN tham gia vào thị trường vàng?

- Để làm chủ thị trường vàng cần 2 việc, một là tiềm lực tài chính, hai là thương hiệu. Hai điều kiện đó, NHNN đều có đủ. Vấn đề là điều tiết vĩ mô, cho ra lúc nào, mua vào lúc nào thì đây là công việc kinh doanh bình thường mà bất cứ một nhà kinh doanh vàng nào cũng có thể thạo việc trong vòng 1, 2 tuần.

Bất cứ một cơ chế nào cũng có một thời gian thử thách và hoàn thiện, không có cái gì đúng đắn ngay từ đầu hết, mỗi cuộc thay đổi, cải cách đều có trả giá. Chính sách vàng miếng cũng vậy.Hiện tại, có khoảng 2.500 điểm giao dịch vàng miếng trên cả nước. Tôi tin rằng, người điều hành sẽ rút kinh nghiệm, chỗ nào thừa thì bớt đi, chỗ nào thiếu thì cấp thêm, lúc nào cần mua vào, lúc nào bán ra...

Xin cảm ơn ông!

Hết 10/3, sẽ hoàn thành việc tạm xuất tái nhập vàng

Đây là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ giám sát gia công vàng miếng SJC cho biết. Ông Minh cho biết thêm, đã có 500 tấn vàng của ngân hàng Đông Á được tạm xuất sẽ tái nhập và sau đó dập thành vàng miếng SJC. Trong tuần này, có thêm khoảng 1,5 tấn vàng nữa của Ngân hàng Đông Á và Techcombank sẽ được chuyển đổi, nâng số lượng lên 1,6 tấn kể từ ngày 8/2 đến nay.

Số lượng vàng cần tạm xuất tái nhập khoảng 10 tấn, tương đương 266.000 lượng vàng. Khi hoàn thành việc chuyển đổi, lượng cung vàng ra thị trường có thể tăng do nhiều ngân hàng đã tạm ứng vàng trả cho người gửi nên có thể dùng để bán ra.