Tuần qua, sự biến động của đồng USD và mối lo về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là hai nhân tố chính chi phối thị trường vàng thế giới.
Thị trường vàng trong nước tuần này cũng đi theo xu hướng thế giới, nhưng mức giá điều chỉnh chỉ trong biên độ hẹp.
"Co giãn" trong biên độ 300.000 đồng/lượng
Theo báo cáo của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, mở cửa phiên giao dịch ngày 6/4, giá mua - bán vàng miếng trong nước được niêm yết tại: 36,68 - 36,76 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 50.000 đồng mỗi lượng so với giá chốt phiên trước đó. Mức giá này điều chỉnh giảm nhiệt dần, có thời điểm giảm tới 70.000 đồng/lượng so với mức giá đầu giờ. Về cuối phiên, giá vàng điều chỉnh về ngưỡng 36,63 - 36,71 triệu đồng/lượng. Trong ngày, số lượng giao dịch phát sinh theo chiều bán vàng ra chiếm chủ đạo, nhưng mức độ giao dịch chỉ mang tính cầm chừng.
Nhìn lại diễn biến tuần qua, với chuyển động trong biên độ hẹp thị trường trong nước không để lại dấu ấn cho nhà đầu tư.
Trong tuần ghi nhận mức tăng giá thấp nhất và cao nhất tại: 36,60 - 36,88 triệu đồng/lượng. Tính trung bình mỗi lượng vàng điều chỉnh tăng giảm khoảng 300.000 đồng, với xu hướng giảm chiếm chủ đạo giá vàng khiến thị trường khá e dè trong việc quyết định đầu tư mua vào hay không. Thay vào đó, lượng khách bán vàng ra chiếm phần lớn.
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC trên thị trường Việt Nam chỉ tăng 40.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần.
Vàng thế giới chịu áp lực giảm giáTrên thế giới, giá vàng chịu áp lực giảm trong bối cảnh đồng USD mạnh lên bất chấp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có xu hướng leo thang.
Chỉ số USD, thước đo "sức khỏe" của đồng bảng xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ, đã tăng 0,1% lên 90,519 trước khi Mỹ công bố báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Sau khi các số liệu kinh tế được công bố, chỉ số đồng USD đã giảm 0,29% xuống còn 90.18.Đầu tuần, giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh mức 1.329 USD/oz, tăng hơn 4 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng thế chịu áp lực trước sức mạnh của đồng USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Sau khi Mỹ công bố áp thuế thêm 50 tỷ USD lên các mặt hàng Trung Quốc chủ yếu vào nhóm mặt hàng công nghệ, xe, máy móc thiết bị … trong cuối tuần trước thì đầu tuần Trung Quốc đã "trả đũa" cũng áp thuế tương đương như vậy. Chỉ sau đó có 1 ngày Mỹ lại đáp trả với việc nâng gói mức thuế lên 100 tỷ USD. Lần này Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả “bằng mọi giá”. Mỗi lần như vậy, giá vàng khi đảo chiều đi lên, rồi lại đảo chiều giảm giá.
Đã có lúc giá vàng thế giới phiên ngày 3/4 đã lên mức trên 1.341 USD/oz, tăng 16 USD so với phiên đầu tuần. Đến chiều ngày 6/4, giá vàng tại thị trường châu Á đã có lúc rơi xuống 1.321 USD - mức thấp nhất kể từ 21/3.
Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới giảm/tăng 8 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần vừa qua. Tính từ mức giá thấp đến mức giá cao, vàng thế giới biến động đến 20 USD.
Giá vàng đã rất "chật vật" để ra khỏi vùng 1.300 - 1.360 USD/oz kể từ đầu năm tới nay. Một số chuyên gia cho rằng, cần một cú huých lớn để đưa kim loại quý này vượt ngưỡng trên.