Giá vé máy bay tăng phi mã khi chưa hết dịch: Khó chấp nhận

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay khi được nới lỏng lệnh hạn chế bay nội địa và tăng cường thêm chuyến bay, các hãng hàng không đã đồng loạt đẩy giá vé lên cao chót vót. Mặc dù đã có nhiều lời giải thích cho hiện tượng này, nhưng không thể phủ nhận việc tăng phi mã của giá vé máy bay nội địa, ngay khi đợt cách ly xã hội phòng chống Covid-19 lần thứ 2 vẫn đang tiếp diễn, đã khiến nhiều người lo lắng.

Các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé.
Các hãng bay đồng loạt tăng giá vé
“Tăng phi mã”, “cao ngất ngưởng”... là những câu được không ít hành khách của các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways phải thốt lên, khi tham khảo giá vé niêm yết của các hãng bay vào thời điểm hiện tại. Đơn cử như với Vietnam Airlines, giá vé niêm yết từ ngày 20/4 - 24/4, chặng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh có mức giá vé phổ thông khứ hồi thấp nhất là 5,1 triệu đồng/khách, cao nhất là gần 5,6 triệu đồng/khách. Mức giá vé của Vietjet Air cũng tương tự khi hạng vé phổ thông khứ hồi Hà Nội – TP Hồ Chí Minh ở mức gần 5,2 triệu đồng (đã bao gồm thuế và phụ phí). Bamboo Airways có giá vé được đánh giá là “mềm” nhất trong 3 hãng hãng không Việt Nam hiện nay, nhưng mức giá đưa ra cũng không hề dễ chịu với khoảng hơn 4,7 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi, đã bao gồm thuế và phụ phí.
Lý giải về hiện tượng giá vé máy bay tăng cao, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng “khi cầu cao mà cung hạn chế thì giá vé cao là đương nhiên”. Bên cạnh đó, cơ quan này khẳng định, giá vé máy bay nội địa hiện vẫn đang được khống chế bởi quy định trần giá vé nên “dù cao đến mức nào cũng không thể vượt quá trần giá vé máy bay quy định”. Vẫn theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, trên cùng một chuyến bay có rất nhiều dải giá vé, nên có vé đắt song trước đó cũng có hành khách mua được vé rẻ hạng phổ thông tiết kiệm. Riêng giai đoạn cách ly xã hội, giá vé đắt hơn do nhu cầu đi lại trục Hà Nội – TP Hồ Chí Minh vẫn rất cao, trong khi lượng cung hạn chế, số chuyến bay cung ứng chỉ bằng 5 - 6% so với trước kia.
Cần thời gian để thích ứng
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho biết, đứng trên phương diện tâm lý khách hàng cũng như quy luật bình ổn thị trường, việc tăng giá vé máy bay một cách đột ngột như vậy sẽ gây những hiệu ứng không tốt cho người dân. Cần phải nhớ rằng, cách đây không lâu, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại nhiều nơi trên thế giới cũng như diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam, các hãng bay đã đồng loạt giảm giá vé để mong thu hút hành khách.
Tuy nhiên, ngay khi công tác kiểm soát dịch bệnh có nhiều tín hiệu khả quan và quy định hạn chế bay nội địa được nới lỏng, các hãng bay lại đột ngột tăng giá vé lên cao ngất. “Các hãng giải thích do nhu cầu tăng cao, trong khi khả năng cung ứng không đủ nên phải tăng giá vé là không sai. Họ có quyền điều chỉnh giá vé theo quy luật thị trường, chỉ cần không vượt quá mức trần được Nhà nước quy định. Có điều, tăng giá vé cũng nên ở mức hợp lý và từ từ, để người dân còn có thời gian thích ứng” – PGS.TS Ngô Trí Long nêu ý kiến. Theo vị chuyên gia này, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc điều tra, xác minh xem việc các hãng bay tăng giá vé cao quá như vậy đã vượt trần hay chưa. “Nếu chưa vượt trần thì không vấn đề gì nhưng nếu vượt trần thì phải xử phạt nghiêm. Bởi tăng giá vé vượt trần cao trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành là hành vi không thể chấp nhận được” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia Giao thông cũng cho rằng, các hãng hàng không bị thiệt hại rất nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nên bây giờ họ muốn tăng giá vé để kéo lại một phần thiệt hại cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không từ một ai. “Trong vấn đề này, tôi nghĩ Bộ GTVT và cả các hãng bay cần đăng đàn và đưa ra những lời giải thích hợp lý, xác đáng với người dân về việc giá vé máy bay tăng cao đột ngột như vậy. Họ có quyền được nghe điều đó và cũng để người dân yên tâm, không bị hoang mang lo lắng khi họ vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng Nhà nước chiến đấu, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” – TS Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ quan điểm.
Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, có hiệu từ ngày 1/7, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển KT - XH dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; Từ 500km - 800km, mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; Từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.