Trên sàn New York Mercantile Exchanghe hôm nay ghi nhận dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 khoảng 71 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 2/2023 còn 76,1 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng, tuần trước, toàn bộ 5 phiên giao dịch đều ghi nhận mức giảm ở cuối phiên. Tính cả tuần, hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều giảm xấp xỉ 10% do gia tăng lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong các phiên giao dịch, giá dầu tăng nhẹ ở đầu phiên bởi các chất xúc tác là Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về dịch Covid-19, đường ống Keystone vận chuyển dầu của Canada từ Alberta đến vùng Trung Tây nước Mỹ và khu vực ven biển vùng Vịnh tạm ngừng hoạt động do sự cố tràn dầu tại Kansas (Mỹ), hàng loạt tàu chở dầu không thể đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) cũng như việc áp trần giá của G7 lên dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo Oilprice, có vẻ như các nhà giao dịch ngày càng không sẵn sàng mạo hiểm để kiếm lợi nhuận trong một thị trường cực kỳ khó đoán. Vì vậy, giá dầu đã nối dài đà giảm của tuần trước nữa, “lao dốc không phanh” tới 6 phiên liên tiếp.
Giá dầu 3 tuần nay đã phá hủy gần như toàn bộ mức lợi nhuận đạt được từ hồi tháng 3. Giá dầu đã trượt dần khỏi mức đỉnh gần 140 USD/thùng xác lập được hồi đầu năm và đang lùi dần về mốc 70 USD/thùng.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, giá dầu Brent sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 75 - 77 USD/thùng, còn dầu WTI xoay quanh mức 70 USD/thùng trong một khoảng thời gian.
Tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết định mức tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 14/12. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng, sau 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm, Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất với mức tăng chỉ 50 điểm cơ bản. Song, quyết định sẽ nằm ở dữ liệu lạm phát tiêu dùng hằng tháng của Mỹ được công bố trước cuộc họp của Fed 1 ngày.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Nga có thể cắt giảm sản lượng nếu cần thiết. Hiện mức giá trần (60 USD/thùng) G7 áp lên dầu xuất khẩu của Nga không mấy tác động đến hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, bởi dầu Urals của Nga đang được giao dịch khoảng 53 USD/thùng. Như vậy, nguồn cung của Nga cho thị trường vẫn cao như bất kỳ thời điểm nào trong năm. Ông cho biết, mọi sự sụt giảm sẽ chỉ được nhìn thấy sau quý I/2023.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và nhiều nước châu Âu mấp mé bên bờ vực suy thoái sẽ tác động không nhỏ lên giá dầu.
Tại thị trường trong nước, chiều nay, theo chu kỳ điều hành giá của Liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh giảm. Dự kiến, giá xăng giảm khoảng 1.300 - 1.500 đồng/lít. Nếu trích quỹ bình ổn, mặt hàng này có thể giảm ít hơn. Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ lập hattrick giảm.
Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 32 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng, 14 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12/12 như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.679 đồng/lít, xăng RON 95 không quá 22.704 đồng/lít, dầu diesel không quá 23.213 đồng/lít, dầu hỏa không quá 23.562 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.953 đồng/kg.