6 luật thuế được Bộ Tài chính lấy ý kiến đợt này gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu.
Theo tính toán, hiện 1 lít xăng đang "cõng" khoảng 10.000 đồng tiền thuế các loại. Tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho rằng để kìm đà tăng giá tăng dầu, có thể giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xuống mức chỉ còn 2.000 đồng/lít xăng thay vì 4.000 đồng/lít. Mức thuế này có thể tăng lại khi giá xăng dầu hạ nhiệt.
Đối với Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị đánh giá kết quả đạt được của Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 trong 10 năm qua (2012-2021) so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng luật (như: Góp phần hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích việc sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường...).
Bộ Tài chính cũng muốn các bộ ngành, địa phương chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành luật và nguyên nhân (khách quan, chủ quan).
Nội dung đánh giá theo từng nhóm vấn đề như: Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường, người nộp thuế; số lượng hàng hóa tính thuế bảo vệ môi trường; biếu khung thuế; khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế bảo vệ môi trường và nhóm các vấn đề khác.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá mức độ phù hợp của khung và mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đến mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa đang thuộc đối tượng chịu thuế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung khung, mức thuế cho phù hợp.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ kìm được giá xăng, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tối đa phục hồi kinh tế.
Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu là giải pháp cần thiết và cấp bách trước những “cú sốc” hiện tại.
“Tình hình chiến sự tại Ukraine căng thẳng làm cho giá dầu thế giới tăng đột biến, và nguồn cung dầu hỏa của OPEC đang giảm mạnh so với cầu hiện nay. Hai yếu tố này cộng hưởng làm cho giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.
Nếu Chính phủ không can thiệp thì giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng phi mã. Khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo hàng loạt loại giá cả hàng hóa, dịch vụ khác tăng”- PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết.