Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 110,35 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 112,69 USD/thùng. Mặc dù khép tuần giao dịch tăng mạnh nhưng giá dầu ngày 22/5 cũng ghi nhận nhiều chỉ báo tiêu cực về triểu vọng tiêu thụ dầu toàn cầu, đặc biệt tại Trung Quốc.
Theo đó, sau 5 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới nào, ngày 19/5, thành phố Thượng Hải xuất hiện một số ca mắc mới ngoài khu cách ly. Điều này làm dấy lên lo ngại thành phố sẽ kéo dài các biện pháp cách ly và áp đặt thêm biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch. Cũng trong ngày 19/5, Bắc Kinh ghi nhận tới 62 ca nhiễm mới, tăng 55 ca so với một ngày trước đó.
Các chuyên gia cho biết, bước vào tuần giao dịch từ ngày 16/5, giá dầu thế giới có xu hướng tăng khi lo ngại về một cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu thô ngày một lớn do sự leo thang căng thẳng giữa Nga với EU về việc cung cấp khí đốt và dầu thô.
Các quyết định ngừng cung cấp khí đốt của Nga với nhiều nước EU sẽ buộc những nước này phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế, qua đó sẽ làm gia tăng áp lực nguồn cung, vốn đã bị thắt chặt trong suốt thời gian qua.
Mỹ cũng được cho là đang tìm cách bổ sung thêm 60 triệu thùng dầu vào kho dự trữ quốc gia. Nguồn cung dầu toàn cầu cũng được nhận định khó có thể được cải thiện, thậm chí còn có chiều hướng suy giảm. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU áp đặt với Nga tiếp tục là rào cản, ngăn dầu thô Nga đi ra các thị trường nước ngoài. Nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc được cải thiện mạnh cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu đi lên.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 16/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 109,15 USD/thùng, tăng 0,52 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 112,15 USD/thùng, tăng 0,60 USD/thùng trong phiên.
Đà tăng của giá dầu tiếp tục được củng cố khi đồng USD suy yếu khi kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất mới của Fed hạ nhiệt. Song, đà tăng của giá dầu thô chỉ bị chặn lại khi thông tin về việc Mỹ đang xem xét gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với dầu thô Venezuela, và các nước EU không đạt được sự thống nhất trong việc áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô nga.
Giá dầu còn chịu áp lực bởi lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến các nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, vượt qua các áp lực, lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi cả Mỹ và Trung Quốc đều cho biết có kế hoạch mua một lượng lớn dầu thô để bổ sung vào kho dự trữ, trong đó Mỹ sẽ mua bổ sung 60 triệu thùng, đã hỗ trợ giá dầu thô khép tuần với xu hướng tăng mạnh.
Trong diễn biến khác, nhiều quốc gia châu Âu cho biết đã mở tài khoản thanh toán bằng đồng Rúp tại các ngân hàng do Nga chỉ định để thực hiện các hợp đồng mua khí đốt của Nga. Điều này đã hạ nhiệt đáng kể áp lực về nguồn cung dầu thô trên thị trường và sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng giá dầu tuần tới.