Giá xăng dầu có tuần tăng mạnh

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung bị thắt chặt, nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc được cải thiện đã giúp giá xăng dầu hôm nay ghi nhận tuần tăng giá mạnh. Song dữ liệu kinh tế cho thấy nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 104,11 USD/thùng, giảm 1,25 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 106,29 USD/thùng, giảm 0,27 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phân tích của các chuyên gia, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 25/4 với xu hướng giảm mạnh trong bối cảnh thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ phía cung.

Trong thông báo được phát đi ngày 24/4, Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể tuân thủ hệ thống thanh toán mà Nga đề xuất. Theo đó, các doanh nghiệp này có thể thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng Rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.

Trước đó, Nga đã ban hành một quy định trong đó đề xuất các đối tác mua năng lượng của nước này mở tài khoản tại Gazprombank, nơi các thanh toán được thực hiện bằng Euro hoặc USD sẽ được chuyển đổi thành đồng Rúp.

Thông tin trên được kỳ vọng sẽ khơi thông phần nào dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu, qua đó giảm tải áp lực nhu cầu dầu thô trên thị trường.

Dữ liệu của TankerTrackers, xuất khẩu dầu từ các cảng của Nga đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), vốn là những nước mua dầu thô lớn nhất của Nga, đã tăng lên mức trung bình 1,6 triệu thùng/ngày hiện nay vào tháng 4, sau khi từng giảm xuống 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3.

Còn dữ liệu từ Kpler, một nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa khác, cũng cho thấy dòng chảy đã tăng lên 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4 so với con số 1 triệu thùng/ngày vào giữa tháng 3.

Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của PVoil (ảnh minh họa).
Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của PVoil (ảnh minh họa).

Về phía cầu, những dữ liệu kinh tế được công bố thời gian gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại, điều này đồng nghĩa với việc triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô đang yếu đi.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 25/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 99,41 USD/thùng, giảm 2,66 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 103,90 USD/thùng, giảm 2,75 USD/thùng trong phiên.

Bước sang phiên giao dịch ngày 26/4, sau khi lao dốc mạnh trong phiên 25/4, giá dầu đã quay đầu tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường lại dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi nhiều nước đẩy mạnh mở cửa các hoạt động kinh tế.

Đến phiên 27/4, khi thông tin Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các biện pháp hỗ trợ kinh tế, qua đó làm cải thiện mạnh nhu cầu tiêu thụ dầu thô, giá dầu đã bật tăng mạnh.

Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung suy giảm khi hoạt động sản xuất ở lưu vực đá phiến Bakken của Bắc Dakota, Mỹ bị ảnh hưởng do yếu tố thời tiết và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang xem xét các biện pháp nhằm cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã không thể duy trì trong 2 phiên giao dịch cuối tuần khi thị trường dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm trong bối cảnh các dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, và lo ngại về một đợt phong toả mới Trung Quốc.

Sau nhiều cảnh báo, GDP quý I/2022 của nước này đã được ghi nhận giảm mạnh 1,4%, trái ngược hoàn toàn với các dự báo tăng 1% được đưa ra trước đó.

Tại Trung Quốc, tuy vẫn giữ được mức tăng trưởng dương nhưng cũng cho thấy sự chậm lại trong quý I/2022 và được dự báo sẽ tiếp tục chậm hơn nữa trong quý II/2022.

Tại châu Âu, tình cảnh cũng diễn ra tương tự khi các các dữ liệu về GDP của Pháp, Tây Ban Nha đều ghi nhận ở mức thấp hơn dự báo.

Ở diễn biến khác, nhiều quốc gia châu Âu đã phát đi tín hiệu về việc đã sẵn sàng cho lộ trình giảm dần phụ thuộc vào dầu thô của Nga. Mới nhất, Đức đã thông báo hiện đã giảm mạnh được tỷ trọng dầu của Nga từ mức 1/3 lượng tiêu thụ của nước này trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra xuống còn 12% hiện nay.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu có đang có dấu hiệu suy giảm thì ở chiều hướng ngược lại, theo thoả thuận đã đạt được hồi tháng 4/2021, OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch tăng sản lượng vào cuộc họp chính sách tháng 5, dự kiến diễn ra ngày 5/5 tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần