Bước vào tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 13/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 116,27 USD/thùng, giảm 1,85 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 119,63 USD/thùng, giảm 2,38 USD/thùng trong phiên.
Các chuyên gia cho rằng, do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm đẩy giá dầu ngày 13/6 lao dốc mạnh. Không chỉ ở Trung Quốc mà hầu hết các nền kinh tế đều cho thấy tăng trưởng giảm tốc. Lạm phát leo thang, làn sóng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ đang tạo áp lực lớn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giá dầu giảm mạnh còn do đồng USD mạnh hơn và chứng khoán toàn cầu lao dốc.
Đến phiên giao dịch ngày 15/6, giá dầu đã “hạ nhiệt” sau quyết định tăng lãi suất của Fed. Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 115,62 USD/thùng, giảm 0,64 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 14/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2022 giảm 2,31 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 120,58 USD/thùng, giảm 0,59 USD/thùng trong phiên, nhưng đã giảm 1,32 USD so với cùng thời điểm ngày 14/6.
Nhận định của các chuyên gia, khi triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu ngày càng tiêu cực, trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế đang lớn dần, đẩy giá dầu ngày 15/6 tiếp đà giảm mạnh.
Trong phiên giao dịch ngày 17/6, đặc biệt ngày 18/6, tác động tiêu cực của đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm đẩy giá dầu tiếp tục giảm sâu.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 18/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 108,55 USD/thùng, giảm 6,37 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 113,56 USD/thùng, giảm 6,25 USD/thùng trong phiên.
Việc tăng lãi suất chưa chắc có thể “hạ nhiệt” được lạm phát, nhưng chắc chắn sẽ tác động mạnh đến mặt bằng giá cả hàng hóa, chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Thực tế là trong phát biểu sau cuộc họp chính sách ngày 15/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã thể hiện lạm phát đang khó kiểm soát hơn.
Trước đó, trái với kỳ vọng, lạm phát của Mỹ nhảy vọt lên mức 8,6% vào tháng 5/2022, bất chấp Fed đã có động thái tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Áp lực tăng trưởng gia tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn sẽ làm giảm các nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô.
Giá dầu giảm mạnh còn do thị trường ghi nhận thông tin Mỹ thông báo trừng phạt một số công ty của Trung Quốc và UAE, cùng với một mạng lưới công ty của Iran đã giúp xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của Iran. Ngoài ra, đồng USD tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến giá dầu đi xuống.
Với sự trượt giá lớn liên tiếp, cả 2 mặt hàng dầu Brent và WTI lần đầu tiên sau nhiều tuần tăng giá đã được trải nghiệm một tuần giảm. Tuần giảm này đã cắt đứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp của dầu Brent và 7 tuần tăng liên tiếp của dầu WTI.