Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng, dầu gia tăng áp lực lên doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Vừa chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên giá xăng, dầu tăng đã tạo áp lực kép với cộng đồng DN về chi phí đã phần nào đẩy giá thành sản phẩm và cuối cùng người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. Cộng đồng DN đã có nhiều biện pháp điều chỉnh kế hoạch, song cũng mong muốn có chính sách cởi gỡ.

Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiết bị Sao Việt Đào Thị Thúy Anh kiểm tra sản phẩm trong xưởng sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh
Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiết bị Sao Việt Đào Thị Thúy Anh kiểm tra sản phẩm trong xưởng sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh

Đội chi vì phí tăng cao

Trưởng phòng nhân sự Công ty CP Thống Nhất Hà Nội Chu Văn Vượng cho biết, với đặc thù là công ty sản xuất cơ khí (chuyên sản xuất xe đạp) nên khi xăng tăng đã ảnh hưởng lớn đến giá nguyên vật liệu đầu vào (thép, nhôm…), đẩy giá thành sản xuất sản phẩm, từ đó cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, biên độ lợi nhuận của công ty.

Để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, DN cũng triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát; thuyết phục với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm…

Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương chia sẻ, giá xăng tăng làm ảnh hưởng rất nhiều đến đà phục hồi của DN. Đối với Song Phương, chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 25 - 30% trong tổng chi phí sản xuất của toàn DN; chiếm tỷ trọng khá cao đã tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của cán bộ nhân viên DN.

“Mức cầu của người tiêu dùng đang bị thắt lại, giá xăng tăng mạnh và không có dấu hiệu dừng khiến chi phí nguyên liệu tăng gấp 3 – 4 lần so với cùng kỳ năm trước, buộc DN có thể tính đến nâng giá thành sản phẩm. Song giá thành sản phẩm tăng lại làm người tiêu dùng đắn đo và cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến DN” – nữ doanh nhân này thông tin.

Do đó, DN trước thường mang sản phẩm đến trực tiếp giới thiệu đối tác, khách hàng, nay DN sử dụng online, các nền tảng mạng xã hội, web… định dạng chi tiết hơn về sản phẩm để hạn chế việc đi lại thị trường nhằm tiết giảm chi phí. Đối với vận chuyển, DN sắp xếp đơn hàng giao theo tuyến, tính toán lượng hàng bán ra tại các đơn vị bạn để nâng giá trị đơn hàng lên cao gấp 3 - 4 lần so với trước để hạn chế giao nhiều lần dẫn đến chi phí tăng. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời còn về lâu dài, DN phải tìm giải pháp khác hiệu quả hơn.

Là DN chuyên sản xuất, kinh doanh thương mại nhập khẩu đa ngành, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiết bị Sao Việt Đào Thị Thúy Anh chia sẻ, giai đoạn gần đây, xăng, dầu tăng không chỉ gây ra lạm phát, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế khi giá nguyên liệu đầu vào về logictis, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón… đều tăng.

Đối với Sao Việt là đơn vị thương mại và sản xuất hầu hết nguyên liệu đều phải nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa liên quan trực tiếp đến xăng, dầu, vì vậy khi xăng, dầu tăng tác động mạnh vào giá thành sản phẩm chạm đến ngưỡng chịu đựng của DN. Nếu tiếp tục tăng, hoặc kéo dài có thể DN sẽ phải ngừng sản xuất, hoặc hàng hóa không lưu thông dẫn đến thua lỗ… là điều không thể tránh khỏi.

Mong có giải pháp tổng thể

Bà Thúy Anh cho biết, hiện Sao Việt đang phải đa dạng hóa nguồn cung, lẫn đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro, sản xuất kinh doanh cũng phải chậm để tính kỹ sức tiêu thụ của thị trường. Sao Việt rất mong Chính phủ kiểm soát tốt giá xăng, dầu để không ảnh hưởng đến việc phục hồi nền kinh tế và tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn và phát triển (nhất là thời điểm hiện tại vẫn còn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19).

Trong khi đó, cộng đồng DN đang hết sức lo ngại khi tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraina làm giá xăng, dầu tiếp tục tăng. Họ mong Chính phủ có giải pháp tổng thể, nâng cao năng lực dự trữ xăng, dầu, đồng thời nâng cao năng lực khai thác lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cấp dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt việc lệ thuộc vào sức tăng của giá xăng, dầu thế giới, để ổn định và phát triển nền kinh tế trong nước.

Theo Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân, những biến động tăng nhanh chóng của giá xăng, dầu đang tác động lớn tới chi phí vận tải, logistics, giá hàng hóa... Yếu tố này vô hình chung khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN khó càng thêm khó, đặc biệt là những hậu quả của dịch bệnh Covid-19.

Hiện giá xăng, dầu liên tiếp tăng và đã có thời điểm tiến sát mốc 140 USD từ trước Tết đến nay. Các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá nguyên vật liệu trong thời gian tới từ 15 - 20% tùy chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, DN rất khó có thể tăng giá các sản phẩm ra thị trường ở mức tương ứng. Ngoài ra, nếu tăng giá, DN cũng sẽ đối mặt với việc mất khách hàng. Bởi, giá xăng, dầu tăng mạnh đang tác động đến những yếu tố đầu vào của DN về nguyên phụ liệu tăng; trong đó có chi phí vận chuyển từ xưởng sản xuất, nguyên liệu, chi phí chạy dầu của nhiều máy móc thiết bị...

 

Giá xăng, dầu đang tạo thêm áp lực đè nặng lên DN, do đó, Nhà nước cần có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu, cân nhắc các loại thuế, phí… nhằm hỗ trợ DN trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay. Nhất là ngành logistisc ở Việt Nam hiện đang có giá cao nhất trong khu vực dẫn đến đầu vào của sản phẩm ngày càng tăng, ảnh hưởng tới tiêu thụ hàng hóa, tiêu dùng.

Trưởng ban Cố vấn Hanoisme Trịnh Thị Ngân