Giá xăng dầu giảm mạnh, dầu Brent còn 72,99 USD/thùng

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại về khả năng tiêu thụ dầu thô khi nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang hoạt động sản xuất yếu do tác động của dịch Covid-19, cùng dự báo về một mùa Đông không quá khắc nghiệt ở châu Âu khiến giá xăng dầu hôm nay giảm mạnh.

Đến đầu giờ sáng 1/9 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 68,48 USD/thùng, giảm 0,04 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 31/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2021 đã giảm 0,67 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 72,99 USD/thùng, giảm 0,06 USD/thùng trong phiên và đã giảm 0,46 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 31/8.
Ảnh minh họa.
Giới phân tích nhìn nhận, giá dầu ngày 1/9 có xu hướng giảm mạnh, chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sau khi nền kinh tế Trung Quốc thông tin về tình hình sản xuất tháng 8/2021 suy giảm do tác động của dịch Covid-19.
Theo các dữ liệu được công bố, chỉ số nhà quản lý mua hàng phi sản xuất (PMI) không chính thức giảm xuống 47,5 điểm trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức 53,3 điểm của tháng 7. Chỉ số sản xuất của Trung Quốc trong tháng 8/2021 cũng giảm xuống mức 50,1 điểm (trong tháng 7/2021, chỉ số này là 50,4 điểm.
Nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu còn được nhận định khó đạt mức như kỳ vọng, khi nhiều dự báo cho thấy mùa Đông năm nay ở các nước châu Âu sẽ không quá khắc nghiệt.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Mohammad Abdulatif al-Fares, cho biết mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đã được OPEC+ thống nhất tại cuộc họp trước đó có thể được xem xét lại tại cuộc họp diễn ra vào ngày 1/9.
Ông Mohammad Abdulatif al-Fares cho rằng, trong bối cảnh các thị trường đang có dấu hiệu chậm lại và làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 đã bắt đầu bùng phát ở một số khu vực, các nhà sản xuất của OPEC+ sẽ phải cẩn thận xem xét lại mức tăng đã thống nhất trong cuộc họp mới đây nhất.
Vào trung tuần tháng 8/2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra những dự báo yếu đi của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
IEA nhận định nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày, lên mức trung bình 96,2 triệu thùng ngày trong nửa cuối năm 2021, giảm 500.000 thùng/ngày so với các dự báo trước đó. Ở chiều ngược lại, sản lượng dầu khai thác toàn cầu lại đang có xu hướng tăng sau khi OPEC+ tăng sản lượng khai thác.
Tuy nhiên, giá dầu hôm nay cũng được hỗ trợ bởi loạt dữ liệu kinh tế tích cực trong tháng 8. Các dữ liệu vừa được công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 của khu vực EU tăng 3% so với cùng kỳ 2020; chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi khu vực EU tăng 1,6% so với cùng kỳ 2020 và tăng 0,3% so với tháng trước; GDP của Pháp quý II/2021 tăng 1,1 so với quý I; tỷ lệ thất nghiệp Đức tháng 8 giảm về 5,5% và số liệu tháng 7/2021 cũng được điều chỉnh về 5,6%. Tất cả các chỉ số trên đều tốt hơn các dự báo được đưa ra trước đó.
Ngoài ra, sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Vịnh Mexico do ảnh hưởng của bão Ida, cơn bão mạnh nhất trong 170 năm qua đổ bộ vào khu vực này cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu.