Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 22/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 82,56 USD/thùng, giảm 1,24 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 21/10.
Còn giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 84,74 USD/thùng, giảm 1,25 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 21/10.
Các dữ liệu được ghi nhận trên thị trường dầu thô cho thấy, nhiều nhà đầu tư đang đẩy mạnh giao dịch bán tháo chốt lời, sau khi giá dầu thô vọt lên mức cao nhất 8 năm trở lại đây.
Những nỗ lực nhằm bình ổn giá khí đốt, giá than đá của các nước được kỳ vọng sẽ sớm giải giải toả phần nào tình trạng cầu vượt cung trên thị trường dầu thô.
Tuy nhiên, xu hướng giảm giá của dầu thô là khá hạn chế, khi nguồn cung dầu vẫn chưa được cải thiện và các kho dự trữ dầu thô tiếp tục giảm. Và đây được xem là động lực chính giúp giá dầu sẽ lấy lại đà tăng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 431.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 15/10, trái ngược hoàn toàn so với dự đoán tăng 1,9 triệu thùng trong một cuộc thăm dò của Reuters thực hiện trước đó.
Giới phân tích chỉ ra rằng, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại Cushung, Oklahoma, những trung tâm sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ, đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018 có thể khiến tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường kéo dài.
EIA đồng thời cũng đưa dự báo dữ trữ xăng của Mỹ giảm mạnh, dự kiến ở mức 5,4 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 217,7 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019.
Thời gian qua, giá dầu thô liên tục có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng cao khi giá than, giá khí đột tăng cao và nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… và một số nước châu Âu lâm cảnh thiếu hụt năng lượng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu dầu thô cho các hoạt động sản xuất năng lượng.