Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng, dầu giảm: Người dân, doanh nghiệp nhẹ gánh

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Cùng với vui mừng vì giá xăng hạ nhiệt, người dân kỳ vọng giá hàng hóa thiết yếu sẽ sớm giảm về mức hợp lý, DN mong ngóng cơ quan quản lý tiếp tục điều hành giảm giá xăng sâu hơn bằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng này.

Khấp khởi mừng vì giá xăng hạ nhiệt

Ngay sau khi giá các mặt hàng xăng, dầu giảm mạnh từ 0 giờ ngày 11/7, đa phần người dân bày tỏ sự vui mừng khi mặt hàng thiết yếu này hạ nhiệt sẽ giúp đời sống dễ thở hơn và hy vọng các khoản chi phí tiêu dùng, sinh hoạt sẽ sớm giảm theo.

Nhân viên cửa hàng xăng dầu trên đường 70, quận Hà Đông điều chỉnh lại bảng giá xăng, dầu vào tối ngày 10/7. Ảnh: Công Hùng
Nhân viên cửa hàng xăng dầu trên đường 70, quận Hà Đông điều chỉnh lại bảng giá xăng, dầu vào tối ngày 10/7. Ảnh: Công Hùng

Có mặt ở cây xăng Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) từ sáng sớm ngày 11/7, anh Trần Đăng Triệu – tài xế xe công nghệ hãng Gojek cho hay: “Giá xăng giảm mạnh từ 0 giờ ngày 11/7 đúng là tin vui đối với cánh tài xế, như thể thời tiết nắng hạn lâu ngày gặp cơn mưa rào.

Nếu như cuối tháng trước, tôi còn phân vân có nên bám trụ nghề hay không vì giá xăng tăng quá cao khiến thu nhập giảm mạnh, công ty lại cắt chế độ thưởng doanh số thì giờ đây, tôi đã lạc quan hơn. Hy vọng, thời gian tới, giá xăng sẽ tiếp tục giảm thêm để đời sống của tài xế dễ thở hơn”.

Cùng chung tâm trạng, chị Trần Thị Hằng - chủ cửa hàng tạp hóa (quận
Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giá xăng dầu giảm sẽ tác động phần nào tới giá cả hàng hóa, dù sẽ có độ trễ. “Tôi hy vọng, sau khi giá xăng giảm không lâu, mức giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm… sẽ được giảm tương ứng để đời sống của người dân bớt vất vả cũng như hoạt động mua sắm sôi động hơn” - chị Trần Thị Hằng chia sẻ.

Khi xăng dầu chưa tăng, chi tiêu mỗi tháng của gia đình ông Đặng Hữu Đông, ở phường Ô Chợ Dừa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hết khoảng 12 triệu đồng. Sau khi xăng tăng giá, khoản chi tiêu này đã đội lên 15 triệu đồng/tháng. Do đó, ông Đông cũng như rất nhiều người dân khác rất mong muốn giá xăng, dầu giảm để các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ giảm giá theo. “Giá xăng, dầu giảm mạnh từ ngày 11/7 thực sự là tin vui đối với gia đình tôi vì gánh nặng chi phí sinh hoạt nhẹ bớt đi phần nào” – ông Đông tâm sự.

Phía các DN phân phối, bán lẻ cũng mong thông tin này bởi khi giá xăng, dầu giảm, các mặt hàng trong siêu thị, đặc biệt là các mặt hàng cao cấp có mức giá tốt hơn phục vụ nhu cầu của khách hàng, kích cầu thị trường tiêu dùng.

Người dân kỳ vọng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sớm giảm theo giá xăng, dầu. Ảnh: Ánh Ngọc
Người dân kỳ vọng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sớm giảm theo giá xăng, dầu. Ảnh: Ánh Ngọc

Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Nội Nguyễn Kim Dung cho biết, ngay sau khi giá xăng giảm từ ngày 11/7, siêu thị sẽ triển khai chương trình kích cầu, thu hút người tiêu dùng từ khuyến mại trực tiếp đến trực tuyến trên fanpage, website, thanh toán qua ví điện tử…

“Chúng tôi cũng sẽ đàm phán với các nhà cung cấp phương án giảm giá đầu vào đối với các mặt hàng. Từ đó giảm giá thành sản phẩm tại siêu thị để người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần tăng doanh thu cho hệ thống siêu thị những tháng cuối năm” – bà Nguyễn Kim Dung nói.

Nhiều DN cũng rất phấn khởi khi giá xăng, dầu giảm bởi đây không chỉ là mặt hàng thiết yếu mà còn là yếu tố đầu vào liên quan đến hầu hết các loại hàng hóa khác. Do vậy, với mức giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít xăng, hơn 2.000 đồng/lít/kg dầu tại kỳ điều hành lần này, người tiêu dùng không những được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn được hưởng lợi gián tiếp từ giá các loại hàng hóa, dịch vụ.

Mong mỏi giảm thêm thuế

Cùng với sự phấn khởi vì giá xăng giảm, tâm lý các DN vẫn còn nhiều nỗi lo. Giám đốc Hãng xe Sao Việt Đỗ Văn Bằng trăn trở, dù lần này đã được điều chỉnh nhưng không có cơ sở nào cho thấy giá xăng, dầu trong nước sẽ ổn định hay không tăng trở lại trong kỳ điều hành tới.

“Nửa tháng là khoảng thời gian quá ngắn ngủi để DN kịp tính toán, cân đối chi phí hoạt động. Dù đã giảm nhưng giá xăng hiện nay vẫn không phải là thấp, chi phí cấu thành hoạt động không giảm, DN kinh doanh vận tải vì vậy mà vẫn chưa có điều kiện tái hồi phục” - ông Đỗ Văn Bằng cho biết.

Đáng nói, nhiều DN vận tải cho rằng, giá xăng, dầu giảm trong kỳ điều chỉnh này một phần theo diễn biến của giá xăng, dầu thế giới, đồng thời với chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường chứ chưa hẳn đã được bình ổn. Mặt khác, thời hạn áp dụng chính sách đến hết năm 2022 là quá ít so với những ảnh hưởng các DN đã phải gánh chịu.

Đưa ra quan điểm về tác động của giá xăng giảm, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, việc giảm giá xăng, dầu là tốt nhưng quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và quản lý chặt hơn về mặt bằng giá tiêu dùng nói chung.

“Khi giá xăng dầu lên, các DN mượn cớ đó tăng giá dịch vụ và các mặt tiêu dùng nhưng khi giá xăng dầu giảm họ lại không điều chỉnh về mức giá cũ. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước cần quan tâm đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ khác để người tiêu dùng được hưởng lợi” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước mắt, để tạo đà cho việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai các giải pháp điều hòa cung cầu, kiểm soát thị trường, bình ổn giá.

Bộ Công Thương đã giao cho lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, thu lời bất chính. Với những giải pháp này, có thể kỳ vọng giá cả hàng hóa sẽ dần được điều chỉnh về mức hợp lý sau thời gian tăng do giá xăng dầu.

Đưa ra giải pháp lâu dài bình ổn giá xăng dầu, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, căn cơ nhất là giảm các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành xăng dầu, như tiêu thụ đặc biệt, VAT hay thuế nhập khẩu. Các DN đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét giảm một nửa (50%) mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt hay VAT đánh trên mỗi lít xăng, dầu hiện nay (mặt hàng dầu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).

Mới đây, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng việc giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu. Theo quy trình, nếu được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giảm thuế này lên các thành viên của Chính phủ. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định, điều chỉnh hai loại thuế này thuộc Quốc hội nên không thể áp dụng ngay.

Bộ Tài chính cũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng, dầu thế giới, đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với xăng, dầu cho phù hợp, để trình Quốc hội tại phiên họp tháng 10 hoặc tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội.

 

"Động thái điều hành giảm giá xăng, dầu ngay lập tức theo xu hướng giá xăng dầu thế giới và cộng hưởng với việc giảm thuế môi trường với xăng dầu là nỗ lực kịp thời của cơ quan điều hành giá. Không chỉ người tiêu dùng, mà DN sản xuất sử dụng xăng, dầu làm nguyên liệu đầu vào cũng rất vui với quyết định này.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 mới được kiểm soát, áp lực chi phí khiến không ít DN gặp khó khăn, việc giảm giá xăng, dầu được cho là việc rất cấp thiết để giúp DN dần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh." - Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh

"Không nên chờ tới kỳ họp cuối năm mới có thể trình giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với xăng, dầu mà cơ quan quản lý nên kiến nghị kỳ họp bất thường trong trường hợp cần. Nếu chờ tới tháng 10, giá cả liên tục tăng sẽ gây gánh nặng chi phí rất lớn lên DN cũng như áp lực lạm phát lên nền kinh tế." - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, TS Nguyễn Bích Lâm