Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 10/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 12 đóng cửa ở mức 86,38 USD/thùng, tăng 3,59 USD, tương đương 4,3%. Còn dầu Brent giao tháng 11 tăng 3,57 USD, tương đương 4,2%, lên mức 88,15 USD/thùng.
Đáng chú ý là trong phiên, cả dầu Brent và WTI đều đã có thời điểm tăng hơn 4 USD, tương đương hơn 5%.
Tuần trước, giá dầu Brent giảm khoảng 11% và dầu WTI giảm hơn 8%, ghi nhận mức giảm hằng tuần lớn nhất kể từ tháng 3, do triển vọng kinh tế vĩ mô u ám làm gia tăng lo ngại về nhu cầu toàn cầu.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 9/10), giá dầu đã tăng mạnh hơn 4%, bù đắp một số tổn thất nặng nề của tuần trước, khi các cuộc đụng độ quân sự giữa Israel và nhóm Hồi giáo Palestine Hamas làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột rộng hơn có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Ngày 7/10, Hamas đã phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào Israel. Israel đã trả đũa bằng một đợt không kích vào Gaza. Tác động nghiêm trọng nhất đối với dầu thô là xung đột leo thang thành một cuộc chiến tàn khốc hơn, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô.
Các nguồn tin cho biết cảng Ashkelon của Israel và kho cảng dầu mỏ của nước này đã bị đóng cửa sau cuộc xung đột. Bạo lực bùng phát có nguy cơ làm chệch hướng những nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel của Mỹ. Vương quốc này sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy một thỏa thuận quốc phòng giữa Washington và Riyadh.
Ngày 6/10, các quan chức Saudi Arabia đã nói với Nhà Trắng sẵn sàng tăng sản lượng vào năm tới như một phần của thỏa thuận được đề xuất với Israel.
Riyadh không thấy bất kỳ tác động lớn ngay lập tức nào đến tồn kho dầu trong ngắn hạn từ các cuộc tấn công. Riyadh và Moscow đã đồng ý cắt giảm tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.
Những gián đoạn mới sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung dự kiến trong những tháng còn lại của năm. Các nhà phân tích cho rằng tác động của cuộc xung đột có thể bao gồm khả năng xuất khẩu của Iran chậm lại, vốn đã tăng trưởng đáng kể trong năm nay, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết, sản lượng của Iran đã tăng gần 600.000 thùng/ngày trong năm qua. Về phía cầu, các hãng hàng không quốc tế lớn đã đình chỉ, hoặc thu hẹp quy mô các chuyến bay đến hoặc đi từ Tel Aviv sau vụ tấn công. Giá dầu cao do xung đột có thể thúc đẩy lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất và có thể làm giảm nhu cầu.