Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 11/11 (giờ Việt Nam), cả dầu Brent và WTI đều “giậm chân tại chỗ”. Giá dầu Brent “neo” ở mức 73,87 USD/thùng, WTI “chững” ở mức 70,38 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, tuần trước, một loạt các yếu tố tác động đến biến động của giá dầu. Đó là quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) về việc hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 12; đồng USD tăng giá; kết quả bầu cử tổng thống Mỹ; tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng; lo ngại về thiệt hại do bão Rafael gây ra đối với cơ sở hạ tầng dầu khí tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ; quyết định giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm.
Oilprice cho biết, thị trường dầu mỏ đã chứng kiến giao dịch hỗn loạn trong phiên giao dịch ngày 6/11, với giá dầu giảm đầu phiên trước khi tăng vọt, khi thị trường nắm được thông tin ông Donald Trump đã đánh bại bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.
Không khó để giải mã những phản ứng trái chiều của thị trường dầu mỏ. Một mặt, các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ đang mong đợi ít quy định hơn về sản xuất dầu thô dưới sự điều hành của ông Trump, nghĩa là nguồn cung dầu cao hơn và giá thấp hơn. Mặt khác, chiến thắng của ông Trump cũng có nghĩa là sẽ có nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với dầu của Iran và Venezuela và điều này sẽ thúc đẩy giá.
Mặc dù giá dầu giảm hơn 2% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, nhưng mức giảm này không đủ để kéo giá dầu lao dốc trong cả tuần. Đẩy giá dầu giảm trong phiên là lo ngại về thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dầu khí tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ do bão Rafael đã lắng xuống; lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc sau khi dữ liệu cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - trong tháng 10 đã giảm 9%, giảm tháng thứ 6 liên tiếp.
Tính cả tuần, giá dầu tăng 3 phiên, giảm 2 phiên, tăng hơn 1%, ghi nhận tuần tăng giá.